Từ ngày 20/10/2020, Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học chính thức có hiệu lực. Dưới đây là 05 điểm mới quan trọng giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh cần phải biết được quy định tại Chương V Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư này.
- Điều lệ trường tiểu học: Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp
- 05 quyền lợi giáo viên tiểu học phải biết từ năm học 2020 - 2021
- Điều kiện để trở thành hiệu trưởng, hiệu phó trường cấp I, II, III (Mới nhất)
Điều lệ trường tiểu học 2020: 05 điểm mới quan trọng cần phải biết (Ảnh minh họa)
1. Cho phép học sinh vào học lớp một trên 9 tuổi
Khoản 1 Điều 33 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định:
-
Tuổi của học sinh vào học lớp một là 6 tuổi và tính theo năm;
-
Cho phép trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi;
-
Nếu quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 40 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 41/2010/TTBG-DĐT chỉ quy định trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp một ở độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi. Ngoài ra, đối với trường hợp trẻ em trên 9 tuổi muốn vào học lớp một thì không có quy định.
Như vậy, Điều lệ trường tiểu học 2020 cho phép trẻ em thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 33 được vào học lớp một nếu trên 9 tuổi, lúc này thẩm quyền quyết định thuộc trưởng phòng GDDT.
2. Quy định cụ thể về hình thức nộp đơn xin chuyển trường
Căn cứ vào trình tự thủ tục chuyển trường được quy định tại khoản 2 Điều 36 Điều lệ trường tiểu học 2020 thì phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh được nộp đơn xin chuyển trường bằng hình thức nộp trực tiếp, nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (nếu có).
Hình thức nộp đơn xin chuyển trường không được quy định tại Điều lệ trường tiểu học 2010. Có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định này để cụ thể hóa nhiều hình thức nộp đơn, giúp phụ huynh linh hoạt và dễ dàng hơn khi thực hiện thủ tục chuyển trường cho con em.
3. Tăng thời gian xử lý đơn xin chuyển trường
Nếu trong Điều lệ trường tiểu học 2010 (bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 50/2012/TT-BGDĐT) chỉ cho phép Hiệu trưởng trường nơi chuyển đến có ý kiến đồng ý về việc tiếp nhận học sinh vào đơn; tổ chức trao đổi, khảo sát, tư vấn và tiếp nhận xếp học sinh vào lớp chỉ trong 01 ngày thì thời gian này đã được tăng lên thành 03 ngày theo quy định của Điều lệ trường tiểu học 2020. Cụ thể, khoản 2 Điều 36 ghi nhận:
Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, hiệu trưởng trường nơi chuyển đến có ý kiến đồng ý về việc tiếp nhận học sinh vào đơn, trường hợp không đồng ý phải ghi rõ lý do vào đơn và trả lại đơn cho cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh theo hình thức đã tiếp nhận đơn.
Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, hiệu trưởng trường nơi chuyển đến tổ chức trao đổi, khảo sát, tư vấn và tiếp nhận xếp học sinh vào lớp.
4. Thêm thủ tục chuyển trường đối với học sinh từ nước ngoài về nước
Đối với học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước mà nếu muốn đăng ký chuyển trường thì sẽ thực hiện thủ tục được quy định tại khoản 3 Điều 36 Điều lệ trường tiểu học 2020:
-
Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh nộp đơn đề nghị (theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này) với nhà trường nơi chuyển đến bằng hình thức nộp trực tiếp, nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (nếu có);
-
Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, hiệu trưởng trường nơi chuyển đến có ý kiến đồng ý về việc tiếp nhận học sinh vào đơn, trường hợp không đồng ý phải ghi rõ lý do vào đơn và trả lại đơn cho cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh theo hình thức đã tiếp nhận đơn;
-
Trong trường hợp đồng ý tiếp nhận học sinh, trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, hiệu trưởng trường tiểu học tổ chức khảo sát trình độ của học sinh, xếp vào lớp phù hợp, tiếp nhận và quản lý hồ sơ học sinh theo quy định.
Thủ tục này chưa hề được quy định tại Điều lệ trước đó. Như vậy, đây là một thủ tục mới dành cho những học sinh tiểu học từ nước ngoài trở về Việt Nam.
5. Nghiêm cấm phê bình học sinh trước lớp
Điều lệ trường tiểu học trước đây chỉ quy định sơ sài về hình thức kỉ luật nếu học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện. Theo đó, khoản 2 Điều 44 Điều lệ trường tiểu học 2010 cho phép giáo viên nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình khi học sinh vi phạm.
Tuy nhiên, điều khoản này đã được quy định cụ thể hơn tại khoản 3 Điều 38 trong Điều lệ mới:
Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Đây là quy định tiến bộ đảm bảo quyền riêng tư của trẻ, giúp các em được tôn trọng, không xấu hổ với bạn bè. Từ đó, công tác giáo dục sẽ mang lại hiệu quả hơn, trẻ sẽ thấy gắn bó với trường lớp, sẵn sàng mở lòng để nghe góp ý từ thầy cô.
Trên đây là 05 điểm mới quan trọng trong Điều lệ trường tiểu học 2020 khi quy định về quyền của học sinh. Phụ huynh, giáo viên và nhà trường cần nắm bắt những quy định này để thực hiện tốt công tác giáo dục.
Phương Thanh