Từ năm học 2020 – 2021 sẽ có nhiều thay đổi trong hoạt động giáo dục của tất cả các cấp học. Đặc biệt, đối với cấp tiểu học sẽ có nhiều điểm thay đổi tích cực. Dưới đây là 05 quyền lợi giáo viên tiểu học phải biết từ năm học 2020 - 2021.
- Thêm 03 quy định mới về những việc giáo viên tiểu học không được làm
- Mức phụ cấp thâm niên của giáo viên từ năm 2021 được tính như thế nào?
- Điều lệ trường tiểu học 2020: 05 điểm mới quan trọng giáo viên, HS cần phải biết
05 quyền lợi giáo viên tiểu học phải biết từ năm học 2020 - 2021 (Ảnh minh họa)
Theo Điều 29 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 20/10/2020, 05 quyền lợi giáo viên được hưởng cụ thể như sau:
1. Được tự chủ chuyên môn, điều chỉnh nội dung giáo dục
Theo khoản 1 Điều 29 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 20/10/2020) quy định giáo viên được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường trong việc lựa chọn, điều chỉnh nội dung giáo dục; vận dụng các hình thức hoạt động và phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường.
Trên cơ sở đó, các tổ chuyên môn cũng triển khai hoạt động cho phù hợp, cụ thể:
-
Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường;
-
Căn cứ vào kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng và giải trình kế hoạch dạy học các môn học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học của tổ theo tuần, tháng, học kỳ và năm học;
-
Thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn của trường, của tổ chủ động và linh hoạt;
-
Đề xuất hiệu trưởng phân công giáo viên dạy và giáo viên chủ nhiệm lớp theo năm học;
-
Tổ chức cho giáo viên thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đề xuất các xuất bản phẩm tham khảo để lựa chọn sử dụng trong nhà trường theo quy định;
-
Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; tham gia đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Chuẩn hiệu trưởng.
Theo đó, tổ chuyên môn sẽ hỗ trợ giáo viên triển khai hoạt động mới này. Với sự phối hợp của các thành viên trong tổ, giáo viên sẽ lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ GDĐT và UBND cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch dạy học của môn học theo tuần, tháng, học kỳ và năm học. So với quy định trước đây thì sách giáo khoa và chương trình giảng dạy được thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT và của riêng mỗi trường tiểu học.
2. Sẽ được nới lỏng yêu cầu khen thưởng, tặng danh hiệu thi đua
Từ ngày 01/10/2020, công tác khen thưởng ngành giáo dục được thực hiện theo Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, theo đó, tại Điều 3 Thông tư này đã bãi bỏ quy định không xét khen thưởng các tập thể, cá nhân, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có tập thể hoặc cá nhân thuộc quyền quản lý vi phạm một trong các điểm sau: kê khai không đúng thành tích đạt được; vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức người học; vi phạm quy chế tuyển sinh, quy chế thi, dạy thêm, học thêm; thu chi sai quy định làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của đơn vị, địa phương, của ngành.
Bên cạnh đó cũng quy định định yêu cầu khen thưởng đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, Bằng khen của Bộ trưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các hạng như sau: Tập thể, cá nhân được đề nghị xét khen thưởng phải có số phiếu đồng ý đạt tỷ lệ từ 70% trở lên trên tổng số thành viên của hội đồng thi đua khen thưởng cấp cơ sở và Hội đồng Thi đua - khen thưởng ngành Giáo dục.
Lưu ý: Thời điểm nộp hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng cụ thể như sau:
-
Hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Bộ gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/8 hằng năm (trước đây là ngày 30/8 hằng năm) đối với đơn vị xét thi đua theo năm học và trước ngày 31/01 hằng năm (trước đây là ngày 30/01 hằng năm) đối với đơn vị xét thi đua theo năm công tác.
-
Hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/10 hằng năm đối với đơn vị xét thi đua theo năm học và trước ngày 28/02 hằng năm đối với đơn vị xét thi đua theo năm công tác.
-
Hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất: Ngay sau khi tập thể, cá nhân lập được thành tích, người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm trình Bộ trưởng xét, quyết định khen thưởng hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng.
Theo đó, sắp tới giáo viên sẽ được nới lỏng yêu cầu được khen thưởng, tặng danh hiệu thi đua, đồng thời cũng lưu ý về thời điểm nộp hồ sơ để được công nhân danh hiệu cao quý này.
3. Dễ dàng chuẩn bị để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Theo Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định giáo viên tiểu học là viên chức được đăng ký xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
-
Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.
-
Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;
-
Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;
-
Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.
Đây là quy định mới được áp dụng từ ngày 29/9/2020, theo đó điều kiện để đăng ký xét thăng hạng viên chức được cụ thể và rõ ràng hơn trước đây, điều này giúp cho giáo viên tiểu học là viên chức sẽ dễ dàng trong việc chuẩn bị các giấy tờ hồ sơ để được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của mình.
4. Được nâng chuẩn đào tạo theo lộ trình đến năm 2030
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 71/2020/NĐ-CP về lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của các bậc giáo dục quy định đối tượng thuộc diện thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo là giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Cụ thể, lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học được thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030. Được chia thành 02 giai đoạn sau:
-
Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;
-
Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
5. Được giảm giờ lên lớp hàng tuần đối với giáo viên chủ nhiệm
Theo khoản 2 Điều 29 Điều lệ Trường tiểu học quy định đối với giáo viên tiểu học làm công tác chủ nhiệm có thêm một số quyền sau đây:
-
Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp mình chủ nhiệm.
-
Được dự các cuộc họp của hội đồng thi đua khen thưởng và các hội đồng khác khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến học sinh của lớp mình chủ nhiệm.
-
Được dự các lớp bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề về công tác chủ nhiệm.
-
Được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 03 ngày liên tục.
-
Được giảm giờ lên lớp hàng tuần và các quyền khác theo quy định.
Theo đó, từ ngày 20/10/2020, giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 03 ngày liên tục và đặc biệt được giảm giờ lên lớp hàng tuần để phục vụ cho công tác chủ nhiệm (trước đây không có quy định riêng đối với giáo dục chủ nhiệm).
Lê Vy
- Từ khóa:
- Giáo viên