Đây là câu hỏi được đặt ra từ khá nhiều cặp vợ chồng chung ngành kế toán, có mong muốn làm chung công ty để tiện việc đi làm, cùng nhịp sống sinh hoạt. Vậy theo pháp luật về kế toán hiện hành, việc vợ chồng làm chung bộ phận kế toán cho công ty có vi phạm hay không?
Ảnh minh họa
Vấn đề này Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 52 Luật Kế toán 2015 thì những người không được làm kế toán bao gồm:
3. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Đồng thời, Khoản 2 Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về những người không được làm kế toán như sau:
2. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp Luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Như vậy, từ những căn cứ nêu trên có thể thấy, vợ chồng khi làm chung công ty sẽ không được làm chung bộ phận kế toán nếu như chồng/vợ là kế toán trưởng hoặc người đứng đầu phụ trách công tác tài chính - kế toán, trừ các trường hợp sau đây vợ chồng sẽ được làm chung:
- Vợ chồng có một trong hai người giữ chức vụ kế toán trưởng hay người đứng đầu phụ trách công tác tài chính - kế toán làm chung trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Vợ chồng chỉ là nhân viên phụ trách kế toán bình thường, không ai giữ chức vụ kế toán trưởng hay người đứng đầu phụ trách công tác tài chính - kế toán và làm ở bất kỳ doanh nghiệp nào.
Vậy doanh nghiệp siêu nhỏ được hiểu như thế nào? Theo Điều 4 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như sau:
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Nếu doanh nghiệp nào ngoài các doanh nghiệp được ngoại trừ bên trên mà bố trí người làm kế toán trái với quy định tại Luật kế toán 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính, với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng cho hành vi “Bố trí người làm kế toán mà pháp luật quy định không được làm kế toán” được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 17 Nghị định 41/2018/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán kiểm toán độc lập.
Như vậy các doanh nghiệp trước khi bố trí người làm kế toán, phải dựa vào loại hình doanh nghiệp để xem có nằm trong trường hợp được loại trừ hay không và tìm hiểu thật kỹ lai lịch của người làm kế toán công ty để tránh vi phạm pháp luật.
Lê Hải
- Từ khóa:
- Luật Kế toán 2015
- Nghị định 41/2018/NĐ-CP