Văn phòng thừa phát lại không tạo điều kiện cho thừa phát lại tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sẽ bị phạt nặng. Điều này được quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
VP thừa phát lại không cho thừa phát lại bồi dưỡng nghiệp vụ phạt bao nhiêu? (hình minh họa)
Cụ thể, tại Điểm a Khoản 2 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi "Không tạo điều kiện cho thừa phát lại tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ". Mức phạt này cũng áp dụng đối với các hành vi:
- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài phạm vi hoặc không đúng thẩm quyền;
- Nhận tập sự hành nghề thừa phát lại mà văn phòng thừa phát lại không đủ điều kiện nhận tập sự theo quy định;
- Lập vi bằng mà không có hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng dịch vụ có nội dung không đúng quy định;
- Gửi vi bằng, tài liệu chứng minh về Sở Tư pháp để đăng ký không đúng thời hạn quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định 82 quy định phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Không có biển hiệu theo quy định;
Không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định;
Không thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; không chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc báo cáo phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát;
Không gửi vi bằng, tài liệu chứng minh về Sở Tư pháp để đăng ký theo quy định;
Thu chi phí không đúng quy định hoặc cao hơn mức đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ;
Hoạt động không đúng địa chỉ trụ sở ghi trong giấy đăng ký hoạt động;
Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho thừa phát lại không đầy đủ hoặc không liên tục.
Xem thêm quy định liên quan tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/9/2020.
Thu Ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |