Mang thai hộ nhằm mục đích thương mại là hành vi cấm tại Việt Nam. Nhưng đến ngày 01/9/2020, khi Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì mới có hình thức xử phạt hành chính hành vi này.
Phạt đến 10 triệu đồng nếu mang thai hộ nhằm mục đích thương mại (Ảnh minh họa)
1. Các hình thức mang thai hộ
Mang thai hộ là chỉ về việc một người phụ nữ giúp mang thai thay cho cặp vợ chồng mà người vợ cho dù đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vẫn không thể mang thai và sinh con. Việc mang thai hộ này bắt buộc phải áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Hiện nay, có 02 hình thức mang thai hộ được Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ghi nhận tại Điều 3: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc người phụ nữ chấp nhận mang thai hộ một cách tự nguyện. Còn mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc người phụ nữ mang thai cho người khác để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
2. Xử phạt mang thai hộ nhằm mục đích thương mại
Sự cho phép của Nhà nước về việc mang thai hộ thể hiện một bước tiến trong hoạt động lập pháp, mang lại hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn con cái. Nhưng pháp luật Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, quy định này đã được luật hóa từ Điều 94 đến Điều 99 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Mặc dù cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, thế nhưng Bộ luật Hình sự 2015 chỉ ghi nhận tại Điều 187 quy định về xử phạt hành vi tổ chức mang thai hộ với mục đích trên. Theo đó, hình thức xử phạt nặng nhất là phạt tiền đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù đến 05 năm.
Hành vi tổ chức và hành vi mang thai hộ là hai hành vi khác nhau, nhưng tại thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 ra đời vẫn chưa có hình thức xử phạt đối với hành vi mang thai hộ. Mãi đến ngày 01/9/2020, khi Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì mới có chế tài xử phạt hành chính hành vi này, tức sẽ xử phạt bên yêu cầu mang thai hộ và bên mang thai hộ với mục đích thương mại. Cụ thể, Điều 60 quy định:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
So sánh 02 quy định trên, thấy rằng hành vi tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại được xếp vào hành vi phạm tội và sẽ chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, hành vi mang thai hộ nhằm mục đích thương mại thì chỉ bị xử phạt hành chính. Nguyên nhân có lẽ là do mức độ nguy hiểm của hành vi tổ chức. Người tổ chức phải tạo điều kiện cho 02 bên gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ phương tiện để thực hiện việc mang thai hộ. Mục đích của người tổ chức chính là nhận được lợi ích vật chất của bên nhờ mang thai hộ; còn mục đích mang thai không phải là yếu tố quyết định. Nói cách khác, nếu không có người tổ chức thì cũng không thể tạo được sự kết nối giữa bên yêu cầu mang thai hộ và bên mang thai hộ. Do đó, sẽ là hợp lý khi xếp hành vi tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại vào Bộ luật Hình sự.
Như vậy, quy định mới về xử phạt hành vi mang thai hộ nhằm mục đích thương mại tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ra đời giúp không bỏ lọt hành vi vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình cũng như tạo khung pháp lý an toàn khi mang thai hộ.
Phương Thanh
- Từ khóa:
- Nghị định 82/2020/NĐ-CP