Xử lý "ngoại tình" dưới góc độ pháp luật

Thời gian qua, các vụ “ngoại tình” xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng. Đa phần mọi người đều bàn tán vụ việc dưới khía cạnh văn hóa hơn là quan tâm đến hậu quả pháp lý liên quan đến “ngoại tình”… Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu về xử lý ngoại tình dưới góc độ pháp luật.

xu-ly-ngoai-tinh-duoi-goc-do-phap-luat

Xử lý ngoại tình dưới góc độ pháp luật (Ảnh minh họa)

1. “Ngoại tình” có được xem là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Trước tiên, cần hiểu rằng “ngoại tình” là cách gọi được mọi người sử dụng phổ biến trong đời sống, không phải là một ngôn ngữ pháp lý và không xuất hiện trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, “ngoại tình” có thể được hiểu là hành vi của một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình theo pháp luật Việt Nam là “một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”.

Đồng thời, tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ cấm hành vi:

Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Do đó, “ngoại tình” được xem là một hành vi vi phạm pháp luật.

2. Hành vi “ngoại tình” bị xử lý như thế nào dưới góc độ pháp luật?

Mặc dù, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 không quy định các chế tài đối với hành vi “ngoại tình” nhưng có thể áp dụng các hình thức xử lý được quy định trong một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Cụ thể:

(1) Hành vi “ngoại tình” sẽ bị xử phạt hành chính

Theo Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/9/2020) quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

  • Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

  • Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Theo quy định này, việc “ngoại tình” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tương đương với số tiền phạt là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Mức phạt tiền này đã tăng so với Nghị định 110/2013/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 01/9/2020), chỉ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

(2) Người có hành vi “ngoại tình” có thể phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

Cụ thể, tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

- Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

  • Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

  • Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Lưu ý, chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...(theo Điểm 3.1 Thông tư 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, có hiệu lực từ ngày 10/10/2001).

Như vậy, "ngoại tình" được xem là một hành vi vi phạm pháp luật và người vi phạm sẽ bị phạt tiền, thậm chí có khả năng bị phạt tù lên đến 03 năm. Tuy nhiên, cần hiểu rõ tội này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi: (i) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng (làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v…); (ii) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm (theo Điểm 3.2 Thông tư 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ).

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2697 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;