Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 24/2014/TT-BGDĐT Ban hành chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Theo đó, quy định cấu trúc chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở.
Thông tư 24: Quy định cấu trúc chương trình tiếng khmer cấp tiểu học, trung học cơ sở (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại Thông tư 24/2014/TT-BGDĐT quy định cấu trúc chương trình tiếng khmer cấp tiểu học, trung học cơ sở như sau:
Chương trình thiết kế thành 7 năm học, dùng cho cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Bảy năm học chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Năm thứ nhất và Năm thứ hai với mục tiêu học sinh đạt kỹ năng nghe, nói vững chắc; đạt kỹ năng đọc, viết cơ bản;
Giai đoạn 2: Năm thứ ba và Năm thứ tư với mục tiêu học sinh đạt kỹ năng nghe, nói thành thạo; đạt kỹ năng đọc, viết vững chắc;
Giai đoạn 3: Năm thứ năm, Năm thứ sáu và Năm thứ bảy với mục tiêu học sinh đạt kỹ năng đọc, viết thành thạo.
Chương trình cung cấp kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ thông qua hệ thống đơn vị bài học phân chia theo các phân môn Học vần, Tập đọc, Kể chuyện, Tập viết, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn. Mỗi đơn vị bài học gồm các phần: rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết), triển khai nội dung kiến thức, vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực hành giao tiếp.
Ngữ liệu được xây dựng theo các chủ điểm: bản thân, gia đình, trường học, thiên nhiên, đất nước, văn hóa dân tộc. Ngữ liệu phù hợp với tâm lý, tình cảm, nhận thức, văn hóa của học sinh dân tộc Khmer ở Việt Nam. Nguồn ngữ liệu được lấy chủ yếu từ văn học dân gian và các sáng tác của người Khmer phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer Nam Bộ. Ngoài ra, nguồn ngữ liệu còn sử dụng một số tác phẩm văn học tiêu biểu của các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam.
Xem chi tiết tại Thông tư 24/2014/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ 01/01/2015.
Thùy Trâm
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |