Hiện nay, không ít trường học đã và đang ép buộc các giáo viên trong trường phải hoàn thiện đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ, nhất là chứng chỉ về ngoại ngữ và tin học mới đánh giá giáo viên đủ chuẩn. Vậy thực tế, việc ép buộc này liệu có đúng hay không và giáo viên có bắt buộc phải có 2 loại chứng chỉ này?
Ảnh minh họa
Có thể thấy, Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông chính thức có hiệu lực thi hành ngày 10/10/2018, thay thế Quyết định 14/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT. Theo đó, kể từ ngày 10/10/2018, giáo viên các trường giáo dục phổ thông sẽ được đánh giá theo chuẩn mới tại Thông tư 20.
Đáng chú ý là nội dung quy định tại Tiêu chuẩn 5 về sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.
Cụ thể, Tiêu chí 14 của Tiêu chuẩn 5 quy định rõ là giáo viên sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc.
Hiện nay, có 3 mức để xếp loại đánh giá giáo viên là Đạt, Khá và Tốt. Trong đó, mức Đạt chỉ yêu cầu giáo viên có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.
Đồng thời, phần Ví dụ gợi ý thu thập minh chứng tại Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT cũng nêu rõ các minh chứng cho tiêu chí 14 gồm:
- Ý kiến ghi nhận, xác nhận của nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên về việc giáo viên có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
- Hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ đạt mức 1/6 theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam hoặc các chứng chỉ tương đương về ngoại ngữ do các đơn vị có thẩm quyền cấp (đối với giáo viên tiểu học); Chứng chỉ ngoại ngữ đạt mức 2/6 theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam hoặc các chứng chỉ tương đương về ngoại ngữ, tiếng dân tộc do các đơn vị có thẩm quyền cấp (đối với giáo viên THCS, THPT).
Tiêu chí 15 của Tiêu chuẩn 5 quy định cụ thể về yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục. Theo đó, mức Đạt cũng yêu cầu giáo viên sử dụng được các phần mềm ứng dụng cơ bản, thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục và quản lý học sinh theo quy định; hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục theo quy định.
Phần gợi ý thu thập minh chứng tại Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD cũng nêu rõ các minh chứng cho Tiêu chí này gồm:
- Ý kiến ghi nhận, xác nhận của nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên về trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học, giáo dục;
- Hoặc chứng chỉ hợp lệ xác nhận trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT;
- Hoặc kế hoạch và kết quả thực hiện kế hoạch dạy học, công tác hàng năm có tích hợp ứng dụng công nghệ, thiết bị công nghệ trong dạy học và công tác quản lí học sinh.
Rõ ràng, trong các phần thu thập minh chứng về tiêu chí ngoại ngữ và tin học có cụm từ “sử dụng được…” và “hoặc có chứng chỉ” ngoại ngữ, tin học.
Như vậy, các tiêu chuẩn mới tại Thông tư 20 cũng chỉ yêu cầu giáo viên “sử dụng được” chứ không yêu cầu bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học mới đánh giá đạt chuẩn. Tuy nhiên, trường hợp các giáo viên cần thi hoặc xét thăng hạng thì nên có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
- Nguyễn Trinh -
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |