UBND TP Hà Nội có văn bản hướng dẫn thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ các loài Động vật hoang dã trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ các loài Động vật hoang dã
Công văn 2072/UBND-KTN ngày 06/7/2023 thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ các loài Động vật hoang dã trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Về việc này, UBND Thành phố chỉ đạo như sau:
(1) Đối với công tác bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư:
**Yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây tổ chức tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ công chức trong đơn vị và người dân không săn bắt, bẫy, mua bán, giết mổ, sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã, đặc biệt các loài chim hoang dã, di cư.
**Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
- Chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khu vực sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội, các tụ điểm buôn bán, các chợ chim, các khu vực bẫy bắt chim hoang dã, di cư kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quản lý các chợ, địa điểm kinh doanh, mua, bán chim (Hoàng Hoa Thám, Yên Phúc...) tổ chức kiểm tra các hộ kinh doanh chim kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc săn bắt, bẫy chim từ tự nhiên đưa về các khu chợ.
- Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn.
Thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ các loài Động vật hoang dã (Hình từ internet)
**UBND các quận, huyện, thị xã:
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ các loài chim hoang dã di cư, kiểm soát chặt chẽ việc người dân tổ chức săn bắt, bẫy các loài chim hoang dã di cư.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng các biển cảnh báo về bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư dọc hai bên Sông Hồng.
- UBND huyện Ba Vì chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát không cho tác động cơ học vào khu bãi giữa Văn Lang, huyện Ba Vì nơi có sinh cảnh, môi trường sống tốt nhất cho các loài chim hoang dã, di cư khu vực Sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc người dân săn bắt, bẫy các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn, đặc biệt khu bãi giữa Văn Lang.
(2) Đối với công tác bảo tồn, bảo vệ loài Voọc mông trắng ở khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.
**Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
+ Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ các loài linh trưởng, đặc biệt loài Voọc mông trắng được phát hiện qua điều tra tại khu rừng đặc dụng Hương Sơn năm 2022; Xây dựng kế hoạch bảo tồn, bảo vệ các loài linh trưởng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030, hoàn thành trước tháng 10/2023.
+ Phối hợp với lực lượng kiểm lâm của các tỉnh giáp ranh (Hà Nam, Hòa Bình) và UBND các xã có rừng của 3 tỉnh giáp ranh, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội tổ chức tuyên truyền cho người dân về công tác bảo tồn, bảo vệ các loài linh trưởng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc người dân ra vào rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
+ Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm quản lý địa bàn làm tốt công tác bảo tồn, bảo vệ loài linh trưởng, chú trọng loài Voọc mông trắng: Chủ động, phối hợp với UBND các xã, các phòng chuyên môn huyện Mỹ Đức, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn, bảo vệ các loài linh trưởng.
- Chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội:
+ Xây dựng phương án tổ chức bảo vệ các loài linh trưởng.
+ Chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ các loài linh trưởng, đặc biệt loài Voọc mông trắng được phát hiện tại khu rừng đặc dụng Hương Sơn.
**Giao UBND Huyện Mỹ Đức:
- Chủ động, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, UBND các huyện của các tỉnh giáp ranh (Hà Nam, Hòa Bình) trong công tác bảo tồn, bảo vệ các loài linh trưởng nói chung, loài Voọc mông trắng nói riêng.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã có rừng, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về bảo tồn, bảo vệ các loài linh trưởng; tổ chức giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân ra vào rừng, các du khách tham quan du lịch, tham gia lễ hội; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
(3) Giao Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan chức năng trong việc tham mưu UBND Thành phố bố trí nguồn kinh phí về công tác bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã di cư, loài Voọc mông trắng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
(4) Giao Công an Thành phố: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, loài chim hoang dã, di cư và loài Voọc mông trắng nói riêng.
Dương Châu Thanh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |