Tôi muốn để được khai thác loài động vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ thì cần phải đáp ứng các điều kiện gì? – Thiên Bình (Gia Lai)
Điều kiện khai thác loài động vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Điều kiện khai thác loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ:
- Phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo nguồn giống ban đầu;
- Bảo đảm không làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự tồn tại và phát triển của loài đó trong tự nhiên;
- Có Giấy phép khai thác do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định 160/2013/NĐ-CP;
- Được sự đồng ý của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đối với hoạt động khai thác tại khu bảo tồn thiên nhiên, Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đối với hoạt động khai thác tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đối với hoạt động khai thác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên, ngoài cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
(Khoản 1 Điều 11 Nghị định 160/2013/NĐ-CP)
Hồ sơ cấp phép khai thác loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác theo Mẫu số 02, Phụ lục II Nghị định 160/2013/NĐ-CP;
- Phương án khai thác theo Mẫu số 03, Phụ lục II Nghị định 160/2013/NĐ-CP;
- Báo cáo đánh giá hiện trạng quần thể loài tại khu vực khai thác theo Mẫu số 04, Phụ lục II Nghị định 160/2013/NĐ-CP;
- Bản sao có chứng thực văn bản ký kết về chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học hoặc Quyết định phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Văn bản đồng ý của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 11 Nghị định 160/2013/NĐ-CP;
- Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân hợp lệ.
(Khoản 2 Điều 11 Nghị định 160/2013/NĐ-CP)
Cụ thể, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khai thác loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép khai thác nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện ba (03) bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này và phí thẩm định cấp giấy phép khai thác cho Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân về việc chấp nhận hồ sơ hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định; Việc yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ chỉ được thực hiện một (01) lần và thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ;
- Trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định và tiến hành thẩm định. Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên hoặc Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học nơi sẽ tiến hành hoạt động khai thác, tổ chức liên quan khác và các chuyên gia;
- Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân đăng ký, trường hợp từ chối cấp giấy phép khai thác phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị. Giấy phép khai thác được quy định theo Mẫu số 05, Phụ lục II Nghị định 160/2013/NĐ-CP;
- Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác phải tuân thủ các quy định trong Giấy phép khai thác và Phương án khai thác đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và khắc phục sự cố nếu gây suy thoái môi trường sinh thái, phá hủy tài sản của nhà nước và người dân theo quy định của pháp luật.
(Khoản 3 Điều 11 Nghị định 160/2013/NĐ-CP)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |