Những đề xuất mới ảnh hưởng trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2020 (Phần 2)

Thư Ký Luật xin giới thiệu đến Quý Khách hàng, Thành viên 09 đề xuất mới còn lại liên quan đến mọi cán bộ, công chức, viên chức trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức, dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

10. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể

Theo Khoản 10 Điều 1 của Dự thảo sửa đổi bổ sung Điều 56 Luật Cán bộ công chức 2008, các nội dung để đánh giá công chức gồm có:

- Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;

- Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

- Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, để việc đánh giá chất lượng làm việc của công chức trở nên rõ ràng, chính xác và tạo nên sự công bằng thì kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức phải được thể hiện thông qua sản phẩm cụ thể.

Ngoài các nội dung đánh giá nêu trên, Dự thảo còn quy định đối với những vị trí tiếp xúc với người dân doanh nghiệp thì công chức còn phải được đánh giá thông qua thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

11. Vẫn có thể bổ nhiệm lại cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức 

Cụ thể, theo Khoản 15 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3 Điều 82 Luật cán bộ, công chức 2008, cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, nhưng vẫn có thể xem xét bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.

Quy định hiện hành tại Luật cán bộ, công chức 2008 quy định cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì đương nhiên không được bổ nhiệm, kể cả bổ nhiệm lại.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch hoặc thôi việc, tức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu. (theo quy định hiện hành thì những người này sẽ không được giải quyết nghỉ hưu).

12. Bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức là người tài năng

Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 6 Luật cán bộ, công chức 2008, Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng.

Theo Dự thảo này, từ năm 2020, sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng.

Căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức sẽ quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Như vậy, nếu nội dung này tại Dự thảo được thông qua thì từ ngày 01/01/2020 sẽ có những quy định, chính sách cụ thể hơn về việc sử dụng, đãi ngộ cán bộ, công chức là người có tài năng.

13. Phân loại đánh giá cán bộ, công chức theo quy định mới

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 29 Luật cán bộ, công chức 2008, căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được phân loại đánh giá như sau: a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ; c) Hoàn thành nhiệm vụ; d) Không hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Luật cán bộ, công chức 2008, Dự thảo đã bỏ đi cụm từ “nhưng còn hạn chế về năng lực” ở kết quả phân loại Hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ.

Tương tự như vậy, Khoản 11 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 58 Luật cán bộ, công chức 2008 cũng đã bỏ cụm từ “nhưng còn hạn chế về năng lực” ở kết quả phân loại Hoàn thành nhiệm vụ đối với công chức.

Dự thảo cũng nhấn mạnh, cán bộ, công chức có 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc. Theo đó, Dự thảo đã bãi bỏ quy định cán bộ, công chức 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác.

14. Thêm 02 trường hợp công chức được tuyển dụng không cần qua thi tuyển

Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 37 Luật cán bộ, công chức 2008, việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ;

c) Người có tài năng.

Như vậy, nếu quy định này tại Dự thảo được thông qua thì từ ngày 01/01/2020 sẽ có thêm 02 trường hợp công chức được tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển là khi thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và tuyển dụng người có tài năng.

15. Những trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển, xét tuyển

Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 37 Luật cán bộ, công chức 2008, ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển như hiện nay, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có thể quyết định tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp sau:

- Viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Cán bộ, công chức cấp xã.

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu.

- Người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

- Người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển về làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc chuyển đến làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc được bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước giữ chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

16. Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức là 05 năm 

Cụ thể, theo Khoản 6 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 53 Luật viên chức 2010 thì từ ngày 01/01/2020, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức sẽ được kéo dài lên 60 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm thay vì 24 tháng như quy định hiện hành.

Đặc biệt, đối với những viên chức có các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

“a) Viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

b) Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả, không hợp pháp.”

Lưu ý: Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì viên chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.

17. Bỏ hình thức kỷ luật Giáng chức đối với công chức

Cụ thể, theo quy định tại Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức 2008, hiện nay, có 6 hình thức kỷ luật đối với công chức, gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức và Buộc thôi việc.

Tuy nhiên, Khoản 13 Điều 1 Dự thảo đã sửa đổi quy định này tại Luật cán bộ, công chức 2008, theo đó, bỏ hình thức kỷ luật Giáng chức, chỉ giữ lại 05 hình thức kỷ luật còn lại.

Trong đó, hình thức cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

18. Đánh giá chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức theo nội dung mới

Từ năm 2020, bên cạnh những tiêu chí đánh giá hiện hành, công chức, viên chức sẽ được đánh giá chất lượng công việc dựa theo các nội dung tiêu chí mới, cụ thể:

- Đối với công chức: Việc đánh giá sẽ dựa thêm vào các nội dung như chấp hành quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Đối với viên chức: Việc đánh giá sẽ dựa thêm vào các nội dung như kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Nguyễn Trinh 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1756 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;