Ngày 11/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP (Nghị định 115) quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Để thuận tiện cho việc tra cứu, xin tóm lược những điểm chính của Nghị định 115 như sau:
1. Làm rõ khái niệm về người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
Khoản 2 Điều 2 Nghị định 115 đưa ra khái niệm người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài áp dụng đối với các hợp đồng sau:
• Hợp đồng với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
• Hợp đồng với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
• Hợp đồng với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.
• Hợp đồng cá nhân.
2. Quy định về chế độ thai sản
Chương II Nghị định 115 bổ sung một số nội dung nhằm quy định cụ thể chế độ thai sản cho người lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai, cụ thể:
Đối với lao động nữ mang thai hộ
- Lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Ngoài ra các trường hợp bị sẩy thai nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc từ 10 ngày cho đến tối đa 50 ngày tùy từng trường hợp cụ thể.
- Được hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần, nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ, thời gian nghỉ không vượt quá 6 tháng đối với trường hợp sinh một.
- Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ được thực hiện như trường hợp lao động nữ sinh con bình thường khác.
Đối với người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được hưởng các chế độ:
- Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện được hưởng.
- Trường hợp lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.
- Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 1 tháng.
Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Điều 17 Nghị định 115 quy định cụ thể hơn so với quy định cũ về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định như sau:
• Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
• Từ ngày 01/01/2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
• Đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định.
4. Truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Nghị định 115 quy định cụ thể các trường hợp phải thực hiện việc truy thu truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động bao gồm:
• Điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
• Đóng bù thời gian chưa đóng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Việc truy thu tiền BHXH trong các trường hợp nêu trên không phải tính lãi chậm đóng. Trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền truy thu bảo hiểm xã hội được tính bao gồm số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
5. Quy định chuyển đổi tiền lương bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đóng bảo hiểm xã hội
Nghị định 115 bổ sung quy định mới tại Điều 26 về người lao động có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì việc đóng bảo hiểm xã hội và ghi sổ bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:
• Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 2/1 cho 6 tháng đầu năm và ngày 1/7 cho 6 tháng cuối năm.
• Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là tiền lương bằng đồng Việt Nam.
6. Người lao động đủ điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2016
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi trước ngày 1/1/2016 và người lao động đủ điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì vẫn hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2016 được quy định tại Điều 28 Nghị định 115.
7. Hiệu lực thi hành
Nghị định 115 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016, trừ quy định đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
- Từ khóa:
- Nghị định 115/2015/NĐ-CP