"Trường hợp người lao động bị tai nạn phải phẫu thuật và nghỉ việc 2 tháng thì doanh nghiệp có được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ đó hay không?" Đây là câu hỏi của chị H*** gửi đến Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT nhờ tư vấn.
Về vấn đề này, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT có giải đáp như sau:
Khoản 1 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH cho người lao động bao gồm:
-
Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
-
Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
Tuy nhiên, việc tạm dừng này là tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đối với các khoản đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm y tế, quỹ ốm đau – thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đóng cho người lao động trong thời gian tạm dừng đó.
Đồng thời, khoản 5, 6 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP cũng quy định thêm 2 trường hợp đặc biệt mà doanh nghiệp được quyền tạm dừng đóng BHXH cho người lao động bao gồm:
-
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi tạm thời bị mất việc làm được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài xác nhận thì thời gian này được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;
-
Người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm pháp luật hay không thì được tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn phải đóng bảo hiểm y tế hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức lương tháng mà người lao động được hưởng.
Như vậy, pháp luật về bảo hiểm xã hội chỉ quy định 04 trường hợp mà doanh nghiệp được quyền tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ngoài những trường hợp này, doanh nghiệp phải thực hiện đóng BHXH đầy đủ cho người lao động.
Trường hợp người lao động do ốm đau mà phải nghỉ việc dài ngày (trên 14 ngày) và được hưởng chế độ ốm đau, doanh nghiệp có thể căn cứ vào quy định tại khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 để thực hiện BHXH cho người lao động. Theo đó:
Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
Như vậy, căn cứ quy định trên, trường hợp người lao động nghỉ việc vì phải phẫu thuật sau tai nạn, thời gian nghỉ quá 14 ngày trong tháng thì doanh nghiệp chị H không phải đóng BHXH tháng đó cho người lao động.
Đức Thảo
- Từ khóa:
- Nghị định 115/2015/NĐ-CP