Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
- Phạt đến 30 triệu đồng DN áp dụng nhiều hình thức kỷ luật cho một hành vi
- Không lập sổ lương, doanh nghiệp có thể bị phạt đến 10 triệu đồng
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Nghị định này, sẽ phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng;
- Không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 112 Luật Bảo hiểm xã hội;
- Không giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 47 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội đi khám giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa;
- Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội.
Khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
…
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy, theo quy định này, khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật mà người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng/01 người vi phạm nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng. Đây là quy định mới được bổ sung tại nghị định Nghị định 28/2020/NĐ-CP, bởi hiện nay Nghị định 95/2013/NĐ-CP cũng như Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP đều không quy định vấn đề này.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt này sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tức sẽ từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng/01 người vi phạm nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng.
Việc quy định mức phạt đối với hành vi không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người lao động chấm dứt hợp đồng sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nguyễn Trinh