Người khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT và quyền lợi cao nhất là hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định.
Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT, bao gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định trong Nghị định (bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi, mồ côi, cha mẹ mất tích, cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội...); con của người đơn thân nghèo (người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ, có chồng hoặc vợ đã chết, có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất).; người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất BHXH hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác mà chưa được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Về mức hưởng BHYT, căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Điều 22 quy định người khuyết tật tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh theo quy định được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng là “100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng BHYT của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí BHYT dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;…”.
Để xác định mức độ khuyết tật, Điều 15 Luật Người khuyết tật 2010 quy định việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Các trường hợp sau đây thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện: Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác. Về thủ tục xác định mức độ khuyết tật, khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến UBND cấp xã nơi người khuyết tật cư trú. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội
- Từ khóa:
- Luật người khuyết tật 2010