Ai được ưu tiên trong tuyển dụng công chức thuế 2023? Nội dung thi công chức thuế 2023 gồm những gì?
Ai được ưu tiên trong tuyển dụng công chức thuế?
Căn cứ tại Thông báo 412/TB-TCT năm 2023 về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng công chức thuế thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, người được ưu tiên trong tuyển dụng công chức thuế gồm:
- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
- Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
- Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Ai được ưu tiên trong tuyển dụng công chức thuế 2023? Nội dung thi công chức thuế 2023 gồm những gì? (Hình từ Internet)
Nội dung thi công chức thuế 2023 gồm những gì?
Theo Thông báo 412/TB-TCT năm 2023 thì thí sinh tham gia thi tuyển công chức thực hiện theo 2 vòng thi, cụ thể:
Vòng 1:
- Hình thức thi: Thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính.
- Nội dung thi và thời gian thi: gồm 2 phần.
Phần I: Kiến thức chung (60 câu hỏi, thời gian thi 60 phút) về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.
Phần II: Ngoại ngữ, thi Tiếng Anh (30 câu hỏi, thời gian thi 30 phút) theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam:
+ Trình độ bậc 3 đối với ngạch Chuyên viên;
+ Trình độ bậc 2 đối với ngạch Kiểm tra viên thuế.
Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.
Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1 trên máy vi tính.
Vòng 2:
- Hình thức thi: Thi viết
- Thời gian thi: 180 phút
- Nội dung thi:
+ Thí sinh đăng ký dự tuyển vào các ngạch Chuyên viên làm chuyên môn, nghiệp vụ, ngạch Cán sự, ngạch Kiểm tra viên thuế và ngạch Kiểm tra viên trung cấp thuế: Kiến thức về thuế (Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân) và Luật Quản lý thuế.
+ Thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngạch Chuyên viên làm quản lý xây dựng cơ bản: Kiến thức về quản lý đầu tư xây dựng công trình; quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; quản lý chất lượng công trình.
+ Thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngạch Chuyên viên làm công tác đảng: Công tác đảng, văn phòng cấp ủy; công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đảng.
+ Thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngạch Chuyên viên làm công nghệ thông tin: Kiến thức về công nghệ thông tin (kỹ thuật máy tính; khoa học máy tính; kỹ thuật phần mềm - mạng máy tính và truyền thông); Kiến thức về hệ điều hành Window; Kiến thức về quản trị Cơ sở dữ liệu; Sử dụng các ứng dụng của Office 2010 (chủ yếu là Microsoft Excel và Microsoft Word).
+ Thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngạch Văn thư viên, ngạch Văn thư viên trung cấp: Kiến thức về lưu trữ học và quản trị văn phòng; về hành chính văn thư; về văn thư - lưu trữ.
Ai được miễn thi ngoại ngữ khi thi tuyển công chức thuế?
Về việc miễn thi ngoại ngữ theo quy định tại Thông báo 412/TB-TCT năm 2023 cụ thể như sau:
Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định các trường hợp được miễn thi môn ngoại ngữ gồm:
- Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;
- Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định;
- Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số, trong trường hợp dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;