Đơn vị được kiểm toán nhà nước là những đơn vị nào? Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán được quy định như thế nào?
- Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị nào?
- Quyền của đơn vị được kiểm toán được quy định như thế nào?
- Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán được quy định như thế nào?
- Trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí của các đơn vị được kiểm toán được quy định như thế nào?
Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị nào?
Căn cứ theo Điều 55 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định các đơn vị kiểm toán bao gồm:
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương.
- Cơ quan được giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan khác của Nhà nước ở địa phương.
- Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
- Đơn vị quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia; quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước.
- Đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tổ chức quản lý tài sản quốc gia.
- Ban quản lý dự án đầu tư có nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.
- Đơn vị nhận trợ giá, trợ cấp của Nhà nước, đơn vị có công nợ được Nhà nước bảo lãnh mà không phải là doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Các đơn vị này có thể thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán; doanh nghiệp kiểm toán phải thực hiện việc kiểm toán theo chuẩn mực, quy trình kiểm toán nhà nước và gửi báo cáo kiểm toán cho Kiểm toán nhà nước.
- Cơ quan được giao quản lý, sử dụng nợ công.
Đơn vị được kiểm toán nhà nước là những đơn vị nào? Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán được quy định như thế nào?
Quyền của đơn vị được kiểm toán được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (được bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019) quy định quyền của đơn vị được kiểm toán như sau:
- Yêu cầu Đoàn kiểm toán xuất trình quyết định kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước xuất trình thẻ Kiểm toán viên nhà nước.
- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm toán; đề nghị thay thế thành viên Đoàn kiểm toán khi có bằng chứng cho rằng thành viên đó không trung thực, khách quan trong khi làm nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán theo quy định tại Điều 28 Luật Kiểm toán nhà nước 2015
- Giải trình bằng văn bản về những vấn đề được nêu trong dự thảo báo cáo kiểm toán nếu xét thấy chưa phù hợp.
- Khiếu nại về hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán khi có căn cứ cho rằng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Yêu cầu Kiểm toán nhà nước bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 57 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (khoản 7 bị bãi bỏ bởi khoản 16 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019) quy định nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán như sau:
- Chấp hành quyết định kiểm toán.
- Lập và gửi đầy đủ, kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo tình hình thực hiện, quyết toán vốn, quản lý dự án đầu tư; kế hoạch thu, chi; báo cáo tình hình chấp hành và quyết toán ngân sách cho Kiểm toán nhà nước theo yêu cầu.
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
- Trả lời và giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề do Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán.
- Ký biên bản kiểm toán.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kết luận, kiến nghị đó cho Kiểm toán nhà nước.
Trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí của các đơn vị được kiểm toán được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 58 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí của các đơn vị được kiểm toán như sau:
- Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I của ngân sách trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí năm sau cho Kiểm toán nhà nước.
- Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm cho Kiểm toán nhà nước.
- Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về thời gian, nơi nhận báo cáo theo quy định của pháp luật.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;