Có những loại kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy nào? Ai có thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy?

Có những loại kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy nào? Ai có thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy? Thắc mắc của anh V.B ở An Giang.

Có những loại kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy nào?

Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 36/2023/TT-BCA, quy định về loại kế hoạch, nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy như sau

Các loại kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy:

- Kế hoạch tổng kiểm soát và xử lý vi phạm;

- Kế hoạch cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm;

- Kế hoạch tuần tra, kiểm soát thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất;

- Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề;

- Kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy, an ninh, trật tự;

- Kế hoạch công tác tuần; kế hoạch tuần tra, kiểm soát cho Tổ Cảnh sát đường thủy.

Nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy:

Nội dung Kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy được quản lý theo chế độ tài liệu mật.

Căn cứ chương trình công tác, yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội và kết quả công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tình hình, đặc điểm tuyến, địa bàn đường thủy, kế hoạch tuần tra, kiểm soát bao gồm các nội dung:

- Căn cứ ban hành kế hoạch;

- Mục đích, yêu cầu;

- Tuyến, địa bàn, thời gian tuần tra, kiểm soát;

- Đối tượng, hành vi vi phạm tập trung kiểm soát, xử lý;

- Hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát;

- Trang phục của cán bộ thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát;

- Bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, dự kiến tình huống xảy ra trong khi tuần tra, kiểm soát và biện pháp giải quyết; phân công tổ chức thực hiện và chế độ báo cáo tình hình, kết quả tuần tra, kiểm soát.

Có những loại kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy nào? Ai có thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy? (Hình từ internet)

Ai có thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy?

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 36/2023/TT-BCA, quy định thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy gồm có như sau:

Bộ trưởng Bộ Công an:

Ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường thủy toàn quốc.

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông:

Trực tiếp ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường thủy theo tuyến, địa bàn hoặc toàn quốc;

Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây biết gọn là Giám đốc Công an cấp tỉnh):

Ban hành các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong phạm vi quản lý.

Cảnh sát đường thủy được dừng phương tiện trong những trường hợp nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 36/2023/TT-BCA, quy định cảnh sát đường thủy khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện để kiểm soát trong 04 trường hợp sau:

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận các dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Thực hiện chỉ đạo, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, phương án công tác của Thủy đoàn trưởng; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt;

- Có văn bản đề nghị dừng phương tiện của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, cơ quan chức năng liên quan để kiểm soát phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

- Tin báo, tố giác về vi phạm pháp luật liên quan đến người và phương tiện tham gia giao thông.

Cảnh sát đường thủy dừng phương tiện để kiểm soát phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;

- Lựa chọn vị trí kiểm soát yêu cầu phạm vi luồng sâu, rộng, thoáng, không bị che khuất tầm nhìn; bảo đảm việc dừng phương tiện, kiểm soát công khai, minh bạch;

- Trường hợp dừng kiểm soát phương tiện vận chuyển chất cháy, chất nổ, chất độc hại hoặc hàng hóa nguy hiểm khác thì ngoài thỏa mãn các yêu cầu tại điểm a, điểm b khoản này cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn hướng dẫn phương tiện ra xa khu dân cư hoặc nơi vắng người để dừng, sau đó tiến hành kiểm soát.

Hiệu lệnh dừng phương tiện của cảnh sát đường thủy:

- Khi dừng phương tiện để kiểm soát phải căn cứ vào mật độ phương tiện tham gia giao thông, tình hình, đặc điểm luồng, tuyến giao thông để bảo đảm an toàn và lưu thông bình thường của các phương tiện khác và thực hiện như sau:

+ Ban ngày, hướng cờ hiệu "Cờ chữ K" về phía phương tiện cần kiểm soát, phất ba lần theo chiều thẳng đứng từ trên xuống, đồng thời phát âm hiệu một tiếng dài, một tiếng ngắn, một tiếng dài;

+ Ban đêm, hướng đèn hiệu về phía phương tiện cần kiểm soát, phát một chớp sáng dài, một chớp sáng ngắn, một chớp sáng dài, đồng thời phát âm hiệu một tiếng dài, một tiếng ngắn, một tiếng dài;

+ Ngoài hiệu lệnh nêu trên, có thể kết hợp dùng loa hướng dẫn cho phương tiện dừng hoặc giảm tốc độ để kiểm soát.

LawNet

- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn

- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;

- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;

Căn cứ pháp lý
Tư vấn pháp luật mới nhất
ĐỌC NHIỀU NHẤT
{{i.ImageTitle_Alt}}
{{i.Title}}