Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Tiêu chuẩn của các chức danh trong khối cơ quan tư pháp hiện nay?
Căn cứ vào tiểu mục 2.16 Mục 2 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 quy định như sau:
“2. Tiêu chuẩn chức danh cụ thể
...
2.16. Chức danh khối cơ quan tư pháp
a) Toà án nhân dân tối cao
a.1) Chánh án Toà án nhân dân tối cao
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; đủ tiêu chuẩn chức danh Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công; có năng lực xây dựng pháp luật. Có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp; công tâm, khách quan trong chỉ đạo công tác xét xử. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh hoặc lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên.
a.2) Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao
Có trình độ chuyên môn cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam; hiểu biết pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công; có năng lực xây dựng pháp luật. Có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan tư pháp; bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, khách quan trong chỉ đạo công tác xét xử. Là Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và đã kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ trưởng hoặc tương đương trở lên.
b) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
b.1) Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; đủ tiêu chuẩn chức danh kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công. Có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp và công tố. Công tâm, khách quan trong chỉ đạo điều tra, truy tố. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh hoặc lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
b.2) Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Có trình độ chuyên môn cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam; hiểu biết pháp luật và thông lệ quốc tế; đủ tiêu chuẩn chức danh kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công. Có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan tư pháp. Bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, khách quan trong chỉ đạo thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ trưởng hoặc tương đương trở lên.”
Theo đó, căn cứ vào các chức danh làm việc như Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xác định tiêu chuẩn theo quy định như trên.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Chánh án tòa án nhân dân tối cao sẽ có nhiệm kỳ bao nhiêu năm?
Căn cứ vào Điều 105 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:
“Điều 105.
1. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác do luật định.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Chánh án các Tòa án khác do luật định.
3. Việc bổ nhiệm, phê chuẩn, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của Thẩm phán và việc bầu, nhiệm kỳ của Hội thẩm do luật định.”
Theo đó, nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ có nhiệm kỳ theo Quốc hội là 5 năm.
Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là bao lâu?
Căn cứ vào Điều 108 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
“Điều 108.
1. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của Viện trưởng các Viện kiểm sát khác và của Kiểm sát viên do luật định.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Viện trưởng các Viện kiểm sát khác do luật định.”
Theo đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ theo nhiệm kỳ Quốc hội là 05 năm.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;