Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa là bao nhiêu? Trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động?
Suy giảm khả năng lao động từ bao nhiêu % trở lên thì được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động?
Tại Điều 24 Nghị định 88/2020/NĐ-CP có quy định về điều kiện hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động
Điều kiện hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động
Người lao động được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau:
1. Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
3. Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, người lao động suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên thì được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động. Đồng thời phải đáp ứng thêm 02 điều kiện là:
- Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động;
- Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa là bao nhiêu? Trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động?
Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa là bao nhiêu?
Tại Điều 25 Nghị định 88/2020/NĐ-CP có quy định về mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động như sau:
Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động
1. Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động tính theo biểu giá phục hồi chức năng lao động tại thời điểm người lao động phục hồi chức năng lao động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/người/lượt.
2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
Như vậy, mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động năm 2023 tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/người/lượt.
Lưu ý: Chi phí phục hồi chức năng lao động được tính theo biểu giá phục hồi chức năng lao động tại thời điểm người lao động phục hồi chức năng lao động sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả.
Trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động?
Tại Điều 27 Nghị định 88/2020/NĐ-CP có quy định về trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động
Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động
1. Người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 26 Nghị định này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 10 tại Phụ lục của Nghị định này và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ phục hồi chức năng cho người lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.
Theo đó, trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động được thực hiện qua các bước sau đây:
Bước 1: Người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao. Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động cho người lao động;
- Bản sao có chứng thực giấy chuyển viện đến đơn vị phục hồi chức năng lao động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp phải chuyển viện;
Đối với trường hợp bệnh viện có khoa phục hồi chức năng, bản sao có chứng thực bệnh án có nội dung chuyển bệnh nhân về khoa phục hồi chức năng.
- Bản sao chứng từ thanh toán chi phí phục hồi chức năng, không bao gồm kinh phí cho trang thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ phục hồi chức năng cho người lao động.
Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;