Danh mục hệ thống tài khoản kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay được quy định như thế nào?
- Nguyên tắc chung trong việc áp dụng chế độ kế toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định thế nào?
- Danh mục hệ thống tài khoản kế toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ mới nhất?
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể mở thêm các tài khoản mà không cần chấp thuận hay không?
- Doanh nghiệp có được chọn đơn vị tiền tệ khác ghi sổ kế toán không?
Nguyên tắc chung trong việc áp dụng chế độ kế toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 133/2016/TT-BTC nguyên tắc chung trong việc áp dụng chế độ kế toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định bao gồm:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính.
Trường hợp chuyển đổi trở lại áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa thì phải thực hiện từ đầu năm tài chính và phải thông báo lại cho cơ quan Thuế.
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ căn cứ vào nguyên tắc kế toán, nội dung và kết cấu của các tài khoản kế toán để phản ánh và hạch toán các giao dịch kinh tế phát sinh phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị.
- Trường hợp trong năm tài chính doanh nghiệp có những thay đổi dẫn đến không còn thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì được áp dụng Thông tư này cho đến hết năm tài chính hiện tại và phải áp dụng Chế độ kế toán phù hợp với quy định của pháp luật kể từ năm tài chính kế tiếp.
Danh mục hệ thống tài khoản kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định như thế nào?
Danh mục hệ thống tài khoản kế toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ mới nhất?
Danh mục hệ thống tài khoản kế toán dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định tại Phụ lục 1 Ban hành kèm theo Thông tư 133/2016/TT-BTC, cụ thể như sau:
Xem toàn bộ Danh mục hệ thống tài khoản kế toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây.
Lưu ý: Danh mục hệ thống tài khoản kế toán áp dụng đối với các đối tượng sau:
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trừ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã.
Còn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực đặc thù như điện lực, dầu khí, bảo hiểm, chứng khoán ... đã được Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận áp dụng chế độ kế toán đặc thù.
Ngoài ra các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lựa chọn áp dụng hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp theo Thông tư 200/2014/TT-BTC nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể mở thêm các tài khoản mà không cần chấp thuận hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định như sau:
Đăng ký sửa đổi Chế độ kế toán
1. Đối với hệ thống tài khoản kế toán
a) Trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung tài khoản cấp 1, cấp 2 hoặc sửa đổi tài khoản cấp 1, cấp 2 về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
b) Doanh nghiệp có thể mở thêm các tài khoản cấp 2 và các tài khoản cấp 3 đối với những tài khoản không có qui định tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3 tại danh mục Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của doanh nghiệp mà không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận.
Theo đó, đối với các tài khoản cấp 2 và các tài khoản cấp 3 không có quy định tại danh mục Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể mở thêm để nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của doanh nghiệp mà không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận.
Doanh nghiệp có được chọn đơn vị tiền tệ khác ghi sổ kế toán không?
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 133/2016/TT-BTC và Điều 6 Thông tư 133/2016/TT-BTC về nội dung này như sau:
Đơn vị tiền tệ trong kế toán
“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Thông tư này thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.
Theo đó, trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.
Cụ thể:
- Doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán 2015, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
- Đơn vị tiền tệ trong kế toán là đơn vị tiền tệ:
+ Được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của đơn vị, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và được thanh toán; và
+ Được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hóa, dịch vụ, có ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán cho các chi phí đó.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;