Thế nào là hệ thống thanh toán quan trọng? Hoạt động giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng được quy định như thế nào?
Thế nào là hệ thống thanh toán quan trọng?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 20/2018/TT-NHNN, hệ thống thanh toán quan trọng là hệ thống thanh toán có vai trò chủ đạo trong việc phục vụ nhu cầu thanh toán của các chủ thể trong nền kinh tế, có khả năng phát sinh rủi ro hệ thống, đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:
- Là hệ thống thanh toán duy nhất hoặc chiếm tỷ trọng lớn trên tổng giá trị thanh toán so với các hệ thống thanh toán cùng loại; hoặc
- Là hệ thống xử lý các giao dịch thanh toán giá trị cao; hoặc
- Là hệ thống được sử dụng để quyết toán cho các hệ thống thanh toán khác hoặc cho các giao dịch trên thị trường tài chính.
Trong đó, các hệ thống thanh toán quan trọng quy định tại Thông tư 20/2018/TT-NHNN bao gồm:
- Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia;
- Hệ thống thanh toán ngoại tệ (do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam vận hành);
- Hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán;
- Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính.
Thế nào là hệ thống thanh toán quan trọng? Hoạt động giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng được quy định như thế nào?
Hoạt động giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Chương II Thông tư 20/2018/TT-NHNN thông qua các hoạt động được quy định tại Điều 5 Thông tư 20/2018/TT-NHNN quy định đơn vị giám sát thực hiện giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng với những nội dung sau:
(1) Theo dõi hoạt động của hệ thống thanh toán quan trọng thông qua việc:
- Thu thập tài liệu, thông tin, dữ liệu từ các nguồn sau:
+ Các báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ báo cáo, thống kê đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Số liệu hoạt động của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 20/2018/TT-NHNN được thu thập, khai thác từ các hệ thống thông tin có liên quan của Ngân hàng Nhà nước;
+ Các báo cáo khác của tổ chức vận hành theo quy định tại Điều 7 Thông tư 20/2018/TT-NHNN;
+ Báo cáo đánh giá Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 20/2018/TT-NHNN, được Đơn vị giám sát thực hiện 03 năm một lần;
+ Công cụ, phần mềm giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng của Ngân hàng Nhà nước;
+ Tài liệu, thông tin, dữ liệu được thu thập thông qua hoạt động kiểm tra tại chỗ đối với tổ chức vận hành theo quy định tại Điều 6 Thông tư 20/2018/TT-NHNN;
+ Thông tin liên quan đến các hệ thống thanh toán quan trọng được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng;
+ Thông tin do các cơ quan có thẩm quyền khác cung cấp;
+ Thông tin phản hồi của các thành viên tham gia hệ thống thanh toán quan trọng và khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán;
+ Các nguồn thông tin khác nhằm giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng;
- So sánh, đối chiếu, kiểm tra tính chính xác của số liệu:
+ So sánh, đối chiếu các tài liệu, thông tin, dữ liệu thu thập được với các dữ liệu lịch sử để phát hiện các trường hợp có biến động bất thường;
+ So sánh, đối chiếu tài liệu, thông tin, dữ liệu từ các nguồn khác nhau theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 20/2018/TT-NHNN nhằm đảm bảo tính nhất quán;
+ Nhận định, đánh giá về tính hợp lý của tài liệu, thông tin, dữ liệu, trường hợp phát hiện tài liệu, thông tin, dữ liệu thiếu, lỗi, sai hoặc không phù hợp, yêu cầu tổ chức vận hành báo cáo giải trình kịp thời và gửi lại thông tin chính xác;
- Tổng hợp, phân tích các tài liệu, thông tin, dữ liệu được thu thập, so sánh, đối chiếu, kiểm tra theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 20/2018/TT-NHNN
(2) Đánh giá hệ thống thanh toán quan trọng
Căn cứ trên các tài liệu, thông tin, dữ liệu được thu thập theo quy định tại (1), Đơn vị giám sát thực hiện đánh giá đối với từng hệ thống thanh toán quan trọng và xây dựng báo cáo giám sát trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
- Báo cáo định kỳ quý, 6 tháng đầu năm, năm đối với Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia;
- Báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm, năm đối với hệ thống thanh toán ngoại tệ, hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán, hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính;
- Báo cáo đột xuất về các rủi ro, sự cố phát sinh của các hệ thống thanh toán quan trọng.
(3) Cảnh báo, khuyến nghị
Trường hợp Đơn vị giám sát phát hiện các vấn đề rủi ro tiềm ẩn có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động an toàn, ổn định của hệ thống thanh toán quan trọng hoặc dẫn đến việc các tổ chức vận hành không tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan đến hệ thống thanh toán quan trọng, Đơn vị giám sát báo cáo, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản cảnh báo, khuyến nghị đối với tổ chức vận hành.
Mục tiêu của việc giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng được quy định?
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 20/2018/TT-NHNN quy định nội dung này như sau:
- Đảm bảo tính an toàn, ổn định và hiệu quả của các hệ thống thanh toán quan trọng.
- Đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật có liên quan đến các hệ thống thanh toán quan trọng.
- Phát hiện kịp thời và cảnh báo tổ chức vận hành nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống thanh toán quan trọng.
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, tăng cường niềm tin của khách hàng vào các dịch vụ thanh toán.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;