Từ 01/8/2024, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện như thế nào?
Từ 01/8/2024, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 15 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia như sau:
- Bước 1: Thành lập Hội đồng thẩm định:
Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
- Bước 2: Gửi hồ sơ kế hoạch:
Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất đến các thành viên của Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia để lấy ý kiến;
- Bước 3: Gửi ý kiến góp ý:
Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các thành viên Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bước 4: Tổ chức họp thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia:
Sau khi lấy ý kiến góp ý, Chủ tịch Hội đồng tổ chức họp Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
- Bước 5: Hoàn chỉnh hồ sơ và trình phê duyệt:
Sau khi họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh hồ sơ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Lưu ý:
- Trường hợp điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia được thực hiện như đối với nội dung lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia quy định tại Điều 15 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm:
(1) Tờ trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
(2) Báo cáo thuyết minh về kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
(3) Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
(4) Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về kế hoạch sử dụng đất quốc gia; bản sao ý kiến góp ý của bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan; báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Từ 01/8/2024, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện như thế nào? (Hình ảnh Internet)
Thực hiện việc lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất quốc gia ra sao?
Căn cứ khoản Điều 16 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về việc lấy ý kiến kế hoạch sử dụng đất quốc gia được thực hiện theo quy định sau đây:
- Đối tượng lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất quốc gia gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Nội dung dự thảo kế hoạch sử dụng đất quốc gia được lấy ý kiến, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Việc lấy ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan về kế hoạch sử dụng đất quốc gia được thực hiện như sau:
+ Cơ quan lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia gửi hồ sơ về kế hoạch sử dụng đất quốc gia để lấy ý kiến;
+ Các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ về kế hoạch sử dụng đất.
- Cơ quan lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến trước khi trình thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Kế hoạch sử dụng đất quốc gia gồm những nội dung gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về kế hoạch sử dụng đất quốc gia gồm các nội dung sau:
(1) Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, biến động sử dụng đất 05 năm trước, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ trước;
(2) Xác định quan điểm, mục tiêu sử dụng đất đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ kế hoạch;
(3) Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong thời kỳ kế hoạch sử dụng đất 05 năm của cả nước đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh;
(4) Đánh giá tác động của kế hoạch sử dụng đất đến kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
(5) Giải pháp, nguồn lực thực hiện kế hoạch sử dụng đất gồm: giải pháp bảo vệ, cải tạo đất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; xác định các nguồn lực thực hiện kế hoạch sử dụng đất; giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện kế hoạch sử dụng đất;
(6) Xây dựng báo cáo kế hoạch sử dụng đất gồm báo cáo tổng hợp, hệ thống cơ sở dữ liệu kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;