Trình tự thủ tục khoanh nợ tiền thuế năm 2023 thực hiện như thế nào? Xác định thời điểm khoanh nợ như thế nào?
Trình tự thủ tục khoanh nợ tiền thuế năm 2023 thực hiện như thế nào?
Thủ tục khoanh nợ tiền thuế được quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:
- Đối với các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ theo quy định tại Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019, khi có đầy đủ hồ sơ đề nghị khoanh nợ tiền thuế thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế ban hành quyết định khoanh nợ theo Mẫu số 01 /KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP đối với số tiền thuế nợ tại thời điểm bắt đầu của thời gian khoanh nợ quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
- Trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ mà Tòa án hủy quyết định tuyên bố một người là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh thì cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ theo Mẫu số 02/KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Cơ quan quản lý thuế tính tiền chậm nộp đối với người nộp thuế kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ đến ngày người nộp thuế nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
- Trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ, khi đủ điều kiện xóa nợ theo quy định tại Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 thì cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ theo Mẫu số 02/KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP và thực hiện xóa nợ theo quy định.
- Trường hợp người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được khoanh nợ mà cơ quan quản lý thuế phát hiện người nộp thuế đó thành lập cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp khác thì:
Cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ theo Mẫu số 02/KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP và thực hiện tính tiền chậm nộp kể từ ngày người nộp thuế được khoanh tiền thuế nợ đến ngày người nộp thuế nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Trình tự thủ tục khoanh nợ tiền thuế năm 2023 thực hiện như thế nào? Xác định thời điểm khoanh nợ như thế nào?
Xác định thời điểm khoanh nợ như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về thời gian xác định thời điểm như sau:
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019:
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày được cấp giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự đến khi Tòa án hủy quyết định tuyên bố một người là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc được xóa nợ theo quy định.
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019:
Thì thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh đăng tải thông tin về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh đến khi người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh hoặc hoàn thành thủ tục giải thể hoặc được xóa nợ theo quy định.
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 3 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019:
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày Tòa án có thẩm quyền thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc người nộp thuế đã gửi hồ sơ phá sản doanh nghiệp đến cơ quan quản lý thuế nhưng đang trong thời gian làm các thủ tục thanh toán, xử lý nợ theo quy định của Luật Phá sản đến khi người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh hoặc được xóa nợ theo quy định.
Trường hợp Tòa án có thẩm quyền đã thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì người nộp thuế được khoanh nợ đối với số tiền thuế còn nợ đến thời điểm Tòa án thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019:
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản thông báo trên toàn quốc về việc người nộp thuế hoặc đại diện theo pháp luật của người nộp thuế không hiện diện tại địa chỉ kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế đến khi người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh hoặc được xóa nợ theo quy định.
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 5 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019:
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc từ ngày có hiệu lực của quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề hoặc giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện đến khi người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh hoặc được xóa nợ theo quy định.
Người nộp thuế đã được khoanh nợ tiền thuế mà quay lại kinh doanh thì có hủy khoanh nợ tiền thuế không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 18 Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định về các trường hợp hủy khoanh nợ tiền thuế, hủy xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp như sau:
Các trường hợp hủy khoanh nợ tiền thuế, hủy xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp
1. Người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14.
2. Người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh, trừ đối tượng được xóa nợ quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết số 94/2019/QH14.
3. Cá nhân, cá nhân kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu của người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, trừ đối tượng được xóa nợ quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết số 94/2019/QH14.
Như vậy, trừ trường hợp người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán sẽ được xóa nợ thì khi người nộp thuế đã được khoanh nợ tiền thuế mà quay lại kinh doanh sẽ hủy khoanh nợ tiền thuế.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;