Triệu chứng ngộ độc Botulinum theo hướng dẫn của Bộ Y tế là gì? Thuốc giải độc Botulinum cho người lớn và trẻ em là loại nào?
Triệu chứng ngộ độc Botulinum là gì?
Căn cứ Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 về Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum do Bộ Y tế ban hành.
Ngộ độc Botulinum được hiểu là ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum gây ra, thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum (thịt hộp, thực phẩm chế biến, đóng gói không đảm bảo an toàn thực phẩm,...)
Triệu chứng ngộ độc Botulinum lâm sàng được xác định tại khoản d tiểu mục 3.1 Mục 3 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 như sau:
(1) Dấu hiệu sinh tồn: không sốt (nếu không có nguyên nhân khác), huyết áp có thể tụt trong khi mạch/nhịp tim có xu hướng không nhanh.
(2) Tiêu hóa: xuất hiện sớm, buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.
(3) Thần kinh:
- Liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân: từ dây thần kinh sọ (sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng). Sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân.
- Phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất.
- Tỉnh táo.
- Đồng tử có thể giãn hai bên.
- Không có rối loạn cảm giác.
- Mức độ liệt: từ nhẹ (mệt mỏi, mỏi cơ tương tự suy nhược cơ thể, không làm được các động tác gắng sức bình thường) đến liệt nặng (ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp).
Người bệnh có thể liệt hoàn toàn tất cả các cơ, kết hợp đồng tử giãn hai bên, đang thở máy dễ nhầm với hôn mê hoặc mất não (thực tế đang tỉnh nếu không thiếu ô xy não).
- Thời gian thở máy để chuyển sang cai máy trung bình 2 tháng với độc tố type A và 1 tháng với độc tố type B. Tuy nhiên bệnh nhân có thể cần tới 100 ngày để bắt đầu hồi phục.
- Bệnh cảnh không điển hình (chiếm tới 7%): liệt một bên hoặc liệt kiểu lan lên.
(4) Hô hấp: có thể suy hô hấp, biểu hiện ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, thở yếu, thở nhanh, nông do liệt cơ liên sườn, cơ hoành.
(5) Tiết niệu: có thể bí đái, cầu bàng quang.
Triệu chứng ngộ độc Botulinum theo hướng dẫn của Bộ Y tế là gì? Thuốc giải độc Botulinum cho người lớn và trẻ em là loại nào?
Triệu chứng ngộ độc sẽ phát khởi bao lâu sau khi ăn?
Căn cứ khoản c tiểu mục 3.1 Mục 3 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, thời gian khởi phát bệnh được xác định như sau:
- 12-36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên;
- Có thể trong khoảng 6 giờ đến 8 ngày sau ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm có chứa độc tố.
Thuốc giải độc Botulinum cho người lớn và trẻ em là loại nào?
Căn cứ tại khoản 4.2.4 tiểu mục 4.2 Mục 4.2 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 của Bộ Y tế có quy định về thuốc giải độc Botulinum như sau:
Thuốc giải độc
- Giải độc tố botulinum là các mảnh kháng thể/kháng thể trung hòa đặc hiệu độc tố botulinum. Thuốc cần có đủ các thành phần kháng thể/mảnh kháng thể trung hòa các thành phần độc tố tương ứng có thể gây ngộ độc trên người. Về lý thuyết thuốc chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do, không có tác dụng với các độc tố đã gắn tại thần kinh, do đó không thể ngay lập tức đảo ngược lại các triệu chứng liệt đã xảy ra. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng lên và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện.
- Thuốc được xếp vào loại thuốc hiếm, thuốc mồ côi, số lượng chế phẩm thuốc giải độc tố botulinum được lưu hành mức độ hạn chế trong chương trình dự trữ thuốc hiếm của các quốc gia. Chế phẩm đã được đề cập nhiều trong các tài liệu hướng dẫn gần đây và ưu tiên sử dụng hiện nay là Botulism Antitoxin Heptavalent (sản xuất từ ngựa, là các mảnh kháng thể F(ab')2 trung hòa các độc tố botulinum type A, B, C, D, E, F, và G).
Theo đó, thuốc giả độc Botulinum hiện nay là Botulism Antitoxin Heptavalent (sản xuất từ ngựa, là các mảnh kháng thể F(ab')2 trung hòa các độc tố botulinum type A, B, C, D, E, F, và G).
Thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng lên và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện.
Có mấy cách thực hiện tẩy độc Botulinum?
Căn cứ tiểu mục 4.2 Mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện tẩy độc cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum bằng 02 cách sau:
- Gây nôn: nếu bệnh nhân mới ăn nguồn thực phẩm nghi ngờ không an toàn thực phẩn, có chứa độc tố Botulinum.
- Than hoạt: phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, tuy nhiên nên dùng do các độc tố cùng vi khuẩn vẫn tồn tại trong đường tiêu hóa nhiều giờ tới nhiều ngày sau. Liều dùng 1g/kg, kết hợp sorbitol với liều tương đương liều than hoạt.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;