Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là gì? Cá nhân cần chuẩn bị hồ sơ gì để được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú?

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là gì? Cá nhân cần chuẩn bị hồ sơ gì để xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú? - Câu hỏi từ Kim Nhi (Vĩnh Long)

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 27/2015/NĐ-CP về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú như sau:

Danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” được xét tặng cho các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này và đạt các tiêu chuẩn cụ thể sau:

- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương nơi cư trú.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng,có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng; đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục.

- Đã 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 07 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng; 01 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ hoặc danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; 01 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ.

- Tài năng sư phạm, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được quy định cụ thể với từng đối tượng như sau:

+ Giáo viên mầm non: Đảm bảo chất lượng và hiệu quả nuôi dạy trẻ; chăm sóc, giáo dục trẻ đạt chất lượng cao, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập, góp phần thu hút trẻ đến trường; thực hiện xuất sắc mục tiêu, yêu cầu của ngành học giáo dục mầm non; hướng dẫn, vận động được nhiều cha mẹ các cháu nuôi dưỡng, chăm sóc con theo phương pháp khoa học; được cha mẹ các cháu tín nhiệm; giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên;

Chủ trì 02 sáng kiến về đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ đã được áp dụng có hiệu quả cao trong trường, được hội đồng sáng kiến cấp huyện nghiệm thu.

+ Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở:

Có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; giảng dạy, giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao; phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong học tập; giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên;

Chủ trì 02 sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục học sinh đã được áp dụng có hiệu quả cao trong trường, được hội đồng sáng kiến cấp huyện nghiệm thu.

+ Giáo viên trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, trường giáo dưỡng:

Giảng dạy, giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao; phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo, hợp tác của người học; giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên;

Chủ trì 02 sáng kiến hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy, giáo dục, được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nghiệm thu.

+ Giáo viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và trung cấp:

Giảng dạy, giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao; có nhiều đóng góp trong việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; có ít nhất 05 học sinh giỏi về lý thuyết và kỹ năng thực hành; giúp đỡ được 02 giáo viên có trình độ nghiệp vụ và tay nghề giỏi cấp trường trở lên;

Chủ trì 02 sáng kiến hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy, giáo dục, được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nghiệm thu.

+ Giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng:

Giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên đổi mới phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập đạt chất lượng và hiệu quả cao; có nhiều đóng góp trong việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học;

Chủ trì 03 sáng kiến hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, bộ hoặc 02 nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp quốc gia nghiệm thu, được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực; chủ biên 01 giáo trình hoặc tham gia biên soạn 02 giáo trình môn học được sử dụng trong giảng dạy, hoặc tác giả của 01 sách chuyên khảo hoặc tác giả chính 02 sách chuyên khảo; tác giả chính 05 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế;

Giảng viên các đại học, trường đại học, học viện, viện khoa học có đào tạo trình độ tiến sĩ đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điểm này và hướng dẫn chính 02 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hoặc hướng dẫn 05 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú.

Xem toàn bộ tiêu chuẩn xét tặng Nhà giáo Ưu tú tại Điều 8 Nghị định 27/2015/NĐ-CP.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là gì? Cá nhân cần chuẩn bị hồ sơ gì để được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú? (Hình từ Internet)

Thời gian nộp hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2023 là khi nào?

Tiểu mục 3 Mục I Công văn 4732/BGDĐT-TĐKT năm 2022 quy định thời gian nộp hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2023 như sau:

Thời gian nộp hồ sơ
a) Trước ngày 25 tháng 3 năm 2023
- Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng Đại học quốc gia, Hội đồng đại học vùng, và Hội đồng cơ sở trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nộp hồ sơ về Hội đồng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Hội đồng cấp cơ sở trực thuộc các Bộ, ban, ngành nộp hồ sơ về Hội đồng cấp Bộ, ban, ngành.
b) Trước ngày 10 tháng 5 năm 2023, Hội đồng cấp Bộ nộp hồ sơ về Hội đồng cấp Nhà nước (qua Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Như vậy, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú phải nộp sớm nhất là trước ngày 25 tháng 03 năm 2023.

Cá nhân cần chuẩn bị hồ sơ gì để xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú?

Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 27/2015/NĐ-CP về hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú mà cá nhân cần chuẩn bị gồm:

- Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú" theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 27/2015/NĐ-CP

- Bản sao Giấy chứng nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền đối với sáng kiến; biên bản nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học; trang bìa giáo trình có ghi tên tác giả và nhà xuất bản; bằng chứng nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có liên quan đến tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”; danh mục bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế.

Ngoài ra, tiểu mục 4 Mục II Công văn 4732/BGDĐT-TĐKT năm 2022 quy định hồ sơ cá nhân xét danh hiệu Nhà giáo Ưu tú không được đóng quyển và xếp theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 27/2015/NĐ-CP, gồm: Bản khai thành tích cá nhân và các tài liệu minh chứng kèm theo (lưu ý: Lập danh mục các tài liệu minh chứng và đánh số theo thứ tự hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 27/2015/NĐ-CP).

LawNet

- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn

- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;

- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;

Căn cứ pháp lý
Tư vấn pháp luật mới nhất
ĐỌC NHIỀU NHẤT
{{i.ImageTitle_Alt}}
{{i.Title}}