Thông tư 36/2024/TT-BTC quy định sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp theo chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ra sao?
Quy định chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thẩm định giá doanh nghiệp ra sao?
Ngày 16/5/2024 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 36/2024/TT-BTC Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp, trong đó một số quy định chung như sau:
- Phạm vi điều chỉnh
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá doanh nghiệp khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.
- Đối tượng áp dụng
+ Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.
+ Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.
+ Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).
- Cơ sở giá trị
Cơ sở giá trị thẩm định giá doanh nghiệp được xác định trên cơ sở mục đích thẩm định giá, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và đặc điểm thị trường của doanh nghiệp cần thẩm định giá, yêu cầu của khách hàng thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá (nếu phù hợp với mục đích thẩm định giá) và quy định của pháp luật có liên quan.
Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá.
Thông tư 36/2024/TT-BTC quy định sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp theo chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ra sao? (Hình từ Internet)
Thông tư 36/2024/TT-BTC quy định sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp theo chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ra sao?
Căn cứ Điều 6 chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thẩm định giá doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 36/2024/TT-BTC quy định về sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp như sau:
- Việc sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp căn cứ vào cách tiếp cận, phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp được lựa chọn, thời điểm thẩm định giá và đặc điểm của doanh nghiệp cần thẩm định giá, đồng thời ưu tiên sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán, soát xét bởi đơn vị kiểm toán độc lập.
- Đối chiếu, kiểm tra tính hợp lý của báo cáo tài chính để bảo đảm độ tin cậy; trường hợp cần thiết, đề nghị doanh nghiệp được thẩm định giá điều chỉnh lại số liệu tài chính có trên báo cáo tài chính trước khi đưa số liệu tài chính này vào phân tích thông tin, áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá để phục vụ thẩm định giá doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá không điều chỉnh thì xác định chênh lệch và có phân tích rõ nội dung, căn cứ điều chỉnh và ghi rõ trong báo cáo thẩm định giá.
- Trường hợp sử dụng số liệu từ báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, soát xét, hoặc báo cáo tài chính được kiểm toán, soát xét nhưng có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần thì phải nêu rõ hạn chế này trong phần hạn chế tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá để tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá và người sử dụng kết quả thẩm định giá được biết.
- Đối với các phương pháp thẩm định giá trong cách tiếp cận từ thị trường: khi sử dụng số liệu từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định giá, doanh nghiệp so sánh để tính toán các chỉ tiêu: thu nhập trên một cổ phiếu (EPS), lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) trong tính toán các tỷ số thị trường nhằm mục đích thẩm định giá, cần điều chỉnh để loại trừ thu nhập và chi phí của các tài sản phi hoạt động, các khoản chi phí, thu nhập bất thường, không mang tính thường xuyên.
- Đối với các phương pháp thẩm định giá trong cách tiếp cận từ thu nhập: khi sử dụng số liệu về lợi nhuận từ báo cáo tài chính trong các năm gần nhất của doanh nghiệp cần thẩm định giá nhằm mục đích dự báo dòng thu nhập hàng năm trong tương lai của doanh nghiệp cần thẩm định giá, cần loại trừ các khoản chi phí, thu nhập bất thường, không mang tính thường xuyên; loại trừ thu nhập và chi phí của các tài sản phi hoạt động.
- Các khoản chi phí, lợi nhuận không mang tính thường xuyên bao gồm: các khoản chi phí liên quan đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp; các khoản tăng, giảm ghi nhận khi bán tài sản; thay đổi các ước tính kế toán; ghi nhận giảm giá hàng tồn kho; suy giảm lợi thế thương mại; xóa sổ nợ; tổn thất hoặc lợi ích từ các quyết định của tòa án và các khoản lợi nhuận, chi phí không thường xuyên khác.
Các khoản mục này khi điều chỉnh phải xem xét đến tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có).
Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực khi nào?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 36/2024/TT-BTC quy định như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
2. Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27/04/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Vậy, Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;