Tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ là những tài sản nào? Hoạt động quản lý tài khoản và tài sản ký quỹ của nhà đầu tư được quy định như thế nào?
Tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ là những tài sản nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 158/2020/NĐ-CP thì tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ bao gồm tiền, chứng khoán và tài sản khác đủ điều kiện ký quỹ theo quy định của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ là những tài sản nào? Hoạt động quản lý tài khoản và tài sản ký quỹ của nhà đầu tư được quy định như thế nào?
Hoạt động quản lý tài khoản và tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 158/2020/NĐ-CP về nội dung này như sau:
- Việc ký quỹ của thành viên bù trừ được thực hiện đối với tất cả các vị thế mở đứng tên thành viên bù trừ, bao gồm vị thế mở của chính thành viên bù trừ và vị thế mở của nhà đầu tư theo nguyên tắc sau:
+ Mức ký quỹ được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tính toán cho vị thế mở trên từng tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư, thành viên bù trừ để xác định mức ký quỹ yêu cầu đối với từng tài khoản nhà đầu tư của thành viên bù trừ;
+ Tài sản của nhà đầu tư ký quỹ với thành viên bù trừ theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 34 Nghị định này được thành viên bù trừ sử dụng để ký quỹ cho vị thế của chính nhà đầu tư đó, không được sử dụng để ký quỹ cho nhà đầu tư khác hoặc cho vị thế của chính thành viên bù trừ.
- Hàng ngày và trong các phiên giao dịch có giá chứng khoán biến động mạnh, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định mức ký quỹ yêu cầu trên từng tài khoản của nhà đầu tư và tài khoản của thành viên bù trừ, xác định tổng giá trị tài sản ký quỹ yêu cầu mà thành viên bù trừ phải ký quỹ và giá trị tài sản ký quỹ bổ sung của thành viên bù trừ (nếu có).
- Thành viên bù trừ có trách nhiệm bổ sung ký quỹ hoặc đóng một phần hoặc đóng toàn bộ vị thế theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Trường hợp thành viên bù trừ không bổ sung đầy đủ, kịp thời, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có quyền đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế đứng tên thành viên bù trừ, bao gồm vị thế của chính thành viên bù trừ và vị thế của nhà đầu tư không nộp bổ sung ký quỹ đầy đủ, kịp thời.
- Trường hợp giá trị tài sản ký quỹ của nhà đầu tư, thành viên bù trừ lớn hơn mức ký quỹ theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên bù trừ được rút bớt tài sản ký quỹ theo hướng dẫn của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
- Loại ký quỹ, phương pháp xác định mức ký quỹ, phương thức ký quỹ, thời hạn ký quỹ, bổ sung ký quỹ, chuyển giao tài sản ký quỹ, phương thức định giá tài sản ký quỹ, xác định lãi lỗ vị thế, hoạt động quản lý tài khoản và tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Hoạt động quản lý tài khoản và tài sản ký quỹ của nhà đầu tư được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 158/2020/NĐ-CP thì việc quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư thực hiện như sau:
- Nhà đầu tư phải ký quỹ đầy đủ và kịp thời cho thành viên bù trừ theo các điều khoản của hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Tài sản ký quỹ phải nằm trong danh mục tài sản được thành viên bù trừ chấp nhận ký quỹ.
- Hàng ngày và trong các phiên giao dịch có giá chứng khoán biến động mạnh, thành viên bù trừ tính toán lãi lỗ vị thế, đánh giá lại giá trị tài sản ký quỹ, bảo đảm nhà đầu tư luôn duy trì ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng và phù hợp với quy định của pháp luật.
- Nhà đầu tư có trách nhiệm bổ sung ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trường hợp nhà đầu tư không bổ sung đầy đủ, kịp thời ký quỹ theo yêu cầu, thành viên bù trừ có quyền thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định nay. Trường hợp giá trị tài sản ký quỹ của nhà đầu tư lớn hơn mức ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ, nhà đầu tư được rút bớt tài sản ký quỹ.
- Thành viên bù trừ phải quản lý tách biệt tài khoản và tài sản ký quỹ tới từng nhà đầu tư; tách biệt với tài khoản và tài sản ký quỹ của chính thành viên bù trừ theo nguyên tắc sau:
+ Trường hợp tài sản ký quỹ là tiền, thành viên bù trừ phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, quản lý tách biệt tiền gửi ký quỹ của từng nhà đầu tư. Thành viên bù trừ có trách nhiệm phối hợp với ngân hàng và yêu cầu ngân hàng cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác về số dư tiền trên tài khoản của nhà đầu tư;
+ Trường hợp tài sản ký quỹ là chứng khoán, thành viên bù trừ quản lý tài sản này trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
- Trường hợp thành viên bù trừ bị phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư không phải là tài sản của thành viên bù trừ và không được sử dụng để xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản, không được phân chia cho các chủ nợ của thành viên bù trừ hoặc phân chia cho các cổ đông, thành viên góp vốn của công ty dưới mọi hình thức. Tài sản này chỉ được sử dụng để thanh toán, bảo đảm thanh toán đối với nghĩa vụ phát sinh từ vị thế mở của nhà đầu tư. Phần tài sản còn lại sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư thì phải được hoàn trả ngay cho nhà đầu tư.
- Hoạt động quản lý tài khoản và tài sản ký quỹ của nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;