Sử dụng cùng lúc chứng minh nhân dân cũ với căn cước công dân gắn chíp người dân có thể gặp rủi ro nào?
Sử dụng cùng lúc chứng minh nhân dân cũ với căn cước công dân gắn chíp người dân có thể gặp rủi ro nào?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA.về trình tự cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân (CCCD) thì chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD cũ sẽ bị thu hồi khi công dân làm thủ tục đổi CMND sang CCCD gắn chíp, đổi thẻ CCCD gắn chíp. Theo đó, CMND và CCCD cũ sẽ không còn giá trị sử dụng kể từ ngày bạn nhận được CCCD gắn chíp.
Tuy nhiên, một vài trường hợp công dân khai báo mất thẻ (có thể sau này tìm lại được), không giao nộp lại thẻ, hoặc cán bộ làm thủ tục quên thu lại (hoặc cắt góc) nên họ vẫn còn giữ CMND, CCCD cũ nguyên vẹn và sử dụng nó song song với CCCD gắn chíp. Mặc dù pháp luật không cấm việc sử dụng song song CMND, CCCD cũ nhưng điều này có thể tiềm ẩn rủi ro nhất định, cụ thể:
Bị phạt tiền
Có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng do không thực hiện đúng quy định về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
Nếu cố tình không giao nộp lại CMND hoặc CCCD cũ và vẫn tiếp tục sử dụng nó làm giấy tờ tùy thân khi đã được cấp đổi sang CCCD gắn chip thì sẽ bị xử lý vi phạm. Tùy vào mức độ mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền như trên.
Dễ bị giả mạo giấy tờ
Khi có nhu cầu làm các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự... chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chíp. Sau đó, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ là có thể biết được thông tin nhân thân của bạn mà không cần thêm bất cứ giấy tờ nào khác. Nhưng đối với CMND, CCCD cũ không gắn chíp thì buộc công dân phải photo, công chứng các giấy tờ này mới hợp pháp trong một số giao dịch.
Do đó, trường hợp giấy tờ này rơi vào tay người ngoài, hoặc chỉ cần họ có được thông tin CMND, CCCD cũ thì có thể dễ dàng làm giả để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vay tiền....
Khó cập nhật, thống nhất thông tin nhân thân trong tương lai
Các thông tin về nhân thân, các giấy tờ như BHYT, BHXH, Giấy phép lái xe... của bạn đã được tích hợp vào thẻ CCCD gắn chíp và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, nếu bạn sử dụng CMND, CCCD cũ để khai báo, đăng ký làm các thủ tục hành chính công thì sẽ xuất hiện thông tin không trùng khớp (do thông tin trên CNMD và CCCD cũ là khác nhau) nên có thể gây khó khăn trong việc cập nhật thông tin về sau.
Sử dụng cùng lúc chứng minh nhân dân cũ với căn cước công dân gắn chíp người dân có thể gặp rủi ro nào? (Hình từ Internet)
Phải đổi thẻ căn cước công dân khi đến bao nhiêu tuổi?
Căn cứ vào Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 quy định như sau:
Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Như vậy, khi công dân đến các mốc tuổi như đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi thì phải tiến hành đổi căn cước công dân.
Tuy nhiên, nếu như căn cước công dân được cấp trong vòng 2 năm trước các mốc tuổi nêu trên thì vẫn sẽ có giá trị sử dụng tiếp tục cho đến hạn tổi đổi thẻ căn cước công dân tiếp theo.
Giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân được quy định như thế nào?
Tại Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân như sau:
- Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014.
- Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;