Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là bao lâu? Điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam là gì?
Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Luật Trồng trọt 2018 quy định như sau:
Yêu cầu về công nhận phân bón lưu hành, phân loại phân bón
1. Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 05 năm và được gia hạn.
3. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam được đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón.
4. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.
5. Chính phủ quy định về phân loại phân bón.
Theo như quy định trên, Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 05 năm
Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là bao lâu? Điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam là gì?
Điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam là gì? Hồ sơ đề nghị cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Trồng trọt 2018 quy định điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam như sau:
- Đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;
- Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trừ loại phân bón:
+ Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
+ Phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm (N) hoặc lân (P) hoặc kali (K), đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
+ Phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm (N), lân (P), kali (K) được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
+ Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
Bên cạnh đó căn cứ theo Điều 5 Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
- Bản thông tin chung về phân bón có xác nhận của nhà sản xuất bao gồm: loại phân bón; tên phân bón; dạng phân bón; hướng dẫn sử dụng; phương thức sử dụng; thời hạn sử dụng; cảnh báo an toàn; chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng yếu tố hạn chế trong phân bón kèm theo phiếu kết quả thử nghiệm;
- Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón (trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt 2018);
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu cấp (đối với phân bón nhập khẩu quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt 2018).
Phân bón được phân loại như thế nào?
Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định phân loại phân bón như sau:
(1) Nhóm phân bón hóa học (còn gọi là phân bón vô cơ) gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp, được xử lý qua quá trình hóa học hoặc chế biến khoáng sản và tùy theo thành phần, hàm lượng hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính đối với cây trồng hoặc liên kết hóa học của các nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
(2). Nhóm phân bón hữu cơ gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp), được xử lý thông qua quá trình vật lý (làm khô, nghiền, sàng, phối trộn, làm ẩm) hoặc sinh học (ủ, lên men, chiết) và tùy theo thành phần, chức năng của các chỉ tiêu chất lượng chính hoặc quá trình sản xuất được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
(3). Nhóm phân bón sinh học gồm các loại phân bón được sản xuất thông qua quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất sinh học như axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác và tùy theo thành phần hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
(4). Phân bón rễ là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón (1) , (2) và (3) sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ hoặc có tác dụng cải tạo đất.
(5). Phân bón lá là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón quy định tại (1), (2) và (3) sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân, lá.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;