Quy trình đánh giá, xếp loại chất lượng trong hệ thống chính trị được quy định như thế nào theo Quy định 124-QĐ/TW?
Quy trình đánh giá, xếp loại chất lượng trong hệ thống chính trị ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 11 Quy định 124-QĐ/TW năm 2023, việc đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân thực hiện theo 3 bước:
- Bước 1: Tập thể, cá nhân tự đánh giá, xếp loại.
Căn cứ tiêu chí xếp loại, từng tổ chức, tập thể, cá nhân tự phân tích chất lượng và xếp loại vào 1 trong 4 mức theo quy định.
- Bước 2: Thẩm định và đề xuất mức xếp loại.
Trên cơ sở kết quả tự đánh giá, xếp loại của tập thể, cá nhân và ý kiến tham gia của cơ quan có liên quan, cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ thẩm định và đề xuất mức xếp loại chất lượng.
- Bước 3: Cấp có thẩm quyền quyết định xếp loại chất lượng.
Đối với những tập thể, cá nhân sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng nếu có đơn, thư khiếu nại, tố cáo, có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước, mất đoàn kết nội bộ thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xác minh, thẩm định, xem xét lại kết quả đánh giá, xếp loại.
Trong đó, cần lưu ý thứ tự như sau:
- Đánh giá, xếp loại hoạt động của chính quyền, công tác chuyên môn, đoàn thể trước, tổ chức đảng sau; tập thể cấp dưới trước, cấp trên sau; tập thể lãnh đạo, quản lý trước, cá nhân thành viên sau.
- Sau khi hoàn thành đánh giá, xếp loại các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị thì đánh giá, xếp loại đối với người đứng đầu.
- Thực hiện thống nhất việc đánh giá, xếp loại đối với tổ chức, tập thể lãnh đạo, quản lý từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Quy trình đánh giá, xếp loại chất lượng trong hệ thống chính trị được quy định như thế nào theo Quy định 124-QĐ/TW?
Đối tượng tập thể phải thực hiện nội dung kiểm điểm hàng năm trong hệ thống chính trị gồm những ai?
Đối tượng tập thể kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm được xác định tại Điều 5 Quy định 124-QĐ/TW năm 2023 cụ thể gồm:
- Các cấp ủy, tổ chức đảng:
+ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
+ Ban thường vụ đảng ủy trực thuộc Trung ương; ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; ban thường vụ đảng ủy cấp trên cơ sở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương và địa phương (bao gồm cả ban thường vụ cấp ủy cơ sở được giao quyền hoặc thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở) và ban thường vụ cấp ủy ở cơ sở (nơi không có ban thường vụ thì kiểm điểm ban chấp hành).
+ Đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương và địa phương.
- Tập thể lãnh đạo, quản lý:
+ Tập thể lãnh đạo, quản lý các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng ở Trung ương và địa phương; tập thể lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
+ Tập thể thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực các Ủy ban của Quốc hội, tập thể lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
+ Tập thể lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các đơn vị trực thuộc; tập thể lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước (do cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương hướng dẫn theo thẩm quyền).
Nội dung kiểm điểm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý gồm những gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Quy định 124-QĐ/TW năm 2023, nội dung kiểm điểm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý bao gồm:
- Việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện quy chế làm việc.
- Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết đại hội, kế hoạch, chương trình công tác năm được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt.
- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; năng lực, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý; trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm giải trình; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân.
- Trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.
- Những vấn đề được gợi ý kiểm điểm; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được cấp có thẩm quyền kết luận và được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước (nếu có).
Theo đó, nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ những kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, giải pháp và thời gian khắc phục.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;