Quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý nhà nước theo Nghị định 29/2024/NĐ-CP như thế nào?
Tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật đối với công chức lãnh đạo ra sao?
Ngày 6/3/2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Căn cứ theo Điều 4, Điều 5 Nghị định 29/2024/NĐ-CP có nêu rõ tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật đối với công chức lãnh đạo như sau:
Về chính trị tư tưởng
- Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng.
- Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật.
- Có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
- Chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức; tuân thủ kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật.
Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật
- Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình đế trục lợi.
- Có trách nhiệm cao với công việc.
- Có tinh thần đoàn kết, gương mẫu; có khả năng sử dụng, trọng dụng người có tài năng, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tình thần cho công chức, viên chức, người lao động.
- Tích cực đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lối sống cơ hội, bè phái, lợi ích nhóm.
- Tuân thủ và thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan khi có yêu cầu; thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý nhà nước theo Nghị định 29/2024/NĐ-CP như thế nào?
Tiêu chuẩn về trình độ đối với công chức lãnh đạo như thế nào?
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 29/2024/NĐ-CP có nêu rõ tiêu chuẩn về trình độ đối với công chức lãnh đạo như sau:
- Tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy định của cấp có thẩm quyền.
- Về lý luận chính trị:
+ Có bằng tốt nghiệp cử nhân chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền: Áp dụng đối với các chức vụ, chức danh tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1; điểm a, điểm b và điểm c khoản 2; điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP;
+ Có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền: Áp dụng đối với các chức vụ, chức danh còn lại tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và các chức vụ, chức danh tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP.
- Về quản lý nhà nước:
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: Áp dụng đối với các chức vụ, chức danh tại điểm a và điểm b khoản 1; điểm a, điểm b và điểm c khoản 2; điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên: Áp dụng đối với các chức vụ, chức danh tại điểm c và điểm d khoản 1; điểm d khoản 2; điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương trở lên: Áp dụng đối với các chức vụ, chức danh còn lại tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và các chức vụ, chức danh tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP.
- Có trình độ ngoại ngữ phù hợp với vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý theo quy định của bộ, ngành, địa phương nơi công tác hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với trường hợp vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số. Việc xác định trình độ ngoại ngữ và các trường hợp có văn bằng, chứng chỉ được xác định tương đương thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ như thế nào?
Căn cứ theo Điều 2 Luật tổ chức Chính phủ 2015 có nêu rõ cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ như sau:
- Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
- Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ.
Nghị định 29/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;