Quản lý kho tiền tiêu hủy được quy định như thế nào? Việc tiến hành giao tiền tiêu hủy dựa trên căn cứ nào?
Quản lý kho tiền tiêu hủy được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 13 Thông tư 03/2020/TT-NHNN về việc quản lý kho tiền tiêu hủy và bảo quản tiền tiêu hủy như sau:
- Việc quản lý kho tiền tiêu hủy và bảo quản tiền tiêu hủy thực hiện theo quy định về quản lý kho tiền và bảo quản tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với Kho tiền Trung ương.
- Thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy
+ Tham gia quản lý kho tiền tiêu hủy tại mỗi cụm tiêu hủy gồm 03 (ba) thành viên: Ủy viên Hội đồng tiêu hủy, nhân viên thực hiện nhiệm vụ kế toán kho tiền tiêu hủy và thủ kho tiền tiêu hủy.
+ Thành viên tham gia quản lý kho tiền tiêu hủy do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
+ Trách nhiệm của thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy
(1) Ủy viên Hội đồng tiêu hủy chịu trách nhiệm về công tác tổ chức quản lý, đảm bảo an toàn tài sản và hoạt động của kho tiền tiêu hủy;
Có nhiệm vụ giữ chìa khóa một ổ khóa của lớp cánh ngoài cửa kho tiền; trực tiếp mở, khóa cửa để giám sát việc xuất, nhập, bảo quản tài sản trong kho tiền tiêu hủy; trực tiếp tham gia kiểm kê và ký xác nhận trên sổ quỹ, sổ theo dõi từng loại tài sản, biên bản kiểm kê (hoặc sổ kiểm kê), thẻ kho.
(2) Nhân viên thực hiện nhiệm vụ kế toán kho tiền tiêu hủy chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc xuất, nhập và bảo quản tài sản trong kho tiền tiêu hủy;
Có nhiệm vụ quản lý và giữ chìa khóa một ổ khóa của lớp cánh ngoài cửa kho tiền; trực tiếp mở, khóa cửa để xuất, nhập tài sản, bảo quản trong kho tiền tiêu hủy; kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa sổ kế toán và sổ quỹ đảm bảo khớp đúng; trực tiếp tham gia kiểm kê và ký xác nhận trên sổ quỹ, sổ theo dõi từng loại tài sản, biên bản kiểm kê (hoặc sổ kiểm kê), thẻ kho.
(3) Thủ kho tiền tiêu hủy có trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối các loại tài sản bảo quản trong kho tiền; quản lý và giữ chìa khóa một ổ khóa của lớp cánh trong cửa kho tiền;
Thực hiện việc xuất, nhập tiền tiêu hủy kịp thời, đầy đủ theo đúng chứng từ kế toán hợp lệ, hợp pháp; mở sổ theo dõi từng loại tiền tiêu hủy, thẻ kho và các sổ sách cần thiết khác; ghi chép và bảo quản các sổ sách, giấy tờ đầy đủ, rõ ràng, chính xác; tổ chức sắp xếp, bảo quản tài sản trong kho gọn gàng, khoa học, đảm bảo vệ sinh kho tiền.
- Trường hợp thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy nghỉ làm việc theo chế độ, đi công tác, đi học trong thời gian ít hơn 15 ngày làm việc, Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy (đối với Cụm tiêu hủy phía Bắc) và Phó Chủ tịch phụ trách Cụm tiêu hủy phía Nam (đối với Cụm tiêu hủy phía Nam) xem xét, quyết định cử người thay thế. Trường hợp nghỉ từ 15 ngày làm việc trở lên do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
Quản lý kho tiền tiêu hủy được quy định như thế nào? Việc tiến hành giao tiền tiêu hủy dựa trên căn cứ nào?
Việc tiến hành giao tiền tiêu hủy dựa trên căn cứ nào?
Căn cứ tại Điều 14 Thông tư 03/2020/TT-NHNN quy định
Xuất kho tiền Trung ương giao Hội đồng tiêu hủy
1. Căn cứ số lượng, giá trị của các loại tiền tiêu hủy theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và kế hoạch nhận tiền của từng cụm tiêu hủy, Cục Phát hành và Kho quỹ lập lệnh điều chuyển để Vụ Tài chính - Kế toán (đối với Cụm tiêu hủy phía Bắc) và Phòng Kế toán - Tài vụ thuộc Chi cục Phát hành và Kho quỹ (đối với Cụm tiêu hủy phía Nam) lập phiếu xuất kho tiền tiêu hủy từ Kho tiền Trung ương nhập kho tiền tiêu hủy.
2. Căn cứ chứng từ xuất kho tiền tiêu hủy, Kho tiền Trung ương lập Biên bản giao nhận tiền và tiến hành giao tiền tiêu hủy cho từng cụm tiêu hủy.
Theo đó, căn cứ chứng từ xuất kho tiền tiêu hủy, Kho tiền Trung ương lập Biên bản giao nhận tiền và tiến hành giao tiền tiêu hủy cho từng cụm tiêu hủy.
Đơn vị nào thực hiện việc giao nhận, bảo quản tiền tiêu hủy?
Căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 10 Thông tư 03/2020/TT-NHNN quy định như sau:
Nhiệm vụ của các tổ chuyên trách
1. Tổ giao nhận và bảo quản tiền tiêu hủy (sau đây gọi là Tổ 1): Tiếp nhận các loại tiền tiêu hủy từ Kho tiền Trung ương để bảo quản trong kho tiền tiêu hủy; xuất giao cho Tổ kiểm đếm tiền tiêu hủy và Tổ cắt hủy tiền; bảo quản tiền do các tổ chuyên trách gửi lại; nhập kho tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông chọn ra từ kiểm đếm tiền tiêu hủy.
2. Tổ kiểm đếm tiền tiêu hủy (sau đây gọi là Tổ 2): Nhận tiền từ Tổ 1, thực hiện kiểm đếm tờ (miếng) số tiền đã nhận và xử lý thừa, thiếu, tiền lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông trước khi giao sang Tổ cắt hủy tiền; kiêm đếm tờ (miếng) trong trường hợp bó (túi) tiền thừa hoặc thiếu thếp, các bó (túi) tiền niêm phong, đóng gói không đúng quy cách phát hiện trong quá trình giao nhận.
3. Tổ cắt hủy tiền (sau đây gọi là Tổ 3): Thực hiện cắt hủy số tiền nhận từ Tổ 1 và Tổ 2 bằng thiết bị chuyên dùng và thu hồi phế liệu đã được cắt hủy.
4. Tổ tổng hợp (sau đây gọi là Tổ 4): Thực hiện các công việc hành chính, kế toán, thống kê; theo dõi việc nhập, xuất phế liệu tiền tiêu hủy; đề xuất nhu cầu mua sắm vật tư, vật liệu phục vụ công tác tiêu hủy tiền.
5. Mỗi tổ chuyên trách có Tổ trưởng và Tổ phó giúp việc do Phó Chủ tịch phụ trách cụm tiêu hủy xem xét, quyết định.
Theo đó, đơn vị chịu trách nhiệm giao nhận và bảo quản tiền tiêu hủy chính là Tổi 1 - Tổ giao nhận và bảo quản tiền tiêu hủy.
Xử lý như thế nào đối với tiền tiêu hủy thừa?
Căn cứ tại Điều 19 Thông tư 03/2020/TT-NHNN quy định như sau:
- Trong quá trình giao nhận tiền tiêu hủy, trường hợp phát hiện bao (thùng) tiền thừa hoặc thiếu bó (túi), lẫn bó (túi) tiền khác mệnh giá; niêm phong, đóng bao (thùng) tiền không đúng quy cách, hai bên giao nhận lập biên bản tại chỗ dưới sự giám sát của công chức giám sát và xử lý thừa, thiếu, lẫn loại (nếu có) theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trường hợp phát hiện bó (túi) tiền thừa; niêm phong, đóng bó (túi) tiền không đúng quy cách, hai bên giao nhận lập biên bản tại chỗ dưới sự giám sát của công chức giám sát và giao sang Tổ 2 để kiểm đếm tờ (miếng) và xử lý thừa, lẫn loại (nếu có) theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Định kỳ hàng tháng, căn cứ vào biên bản kiểm đếm, bảng tổng hợp số tiền thừa theo địa bàn tỉnh, thành phố và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng tiêu hủy gửi bảng tổng hợp, biên bản thừa kèm niêm phong bó (túi) tiền có thừa, thiếu cho từng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước;
Gửi Vụ Tài chính – Kế toán bảng tổng hợp số tiền thừa, xác định số tiền chênh lệch thừa để làm thủ tục báo Có hoặc báo Nợ cho từng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
- Việc xử lý kết quả thừa tiền tại ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với từng cá nhân có tên trên niêm phong bó (túi), bao (thùng) tiền thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;