Nhà đầu tư phải nộp bao nhiêu tiền đặt cọc mua cổ phần lần đầu của doanh nhiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần?
Nhà đầu tư phải nộp bao nhiêu tiền đặt cọc mua cổ phần lần đầu của doanh nhiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần?
Căn cứ tại Điều 24 Thông tư 21/2019/TT-BTC quy định về nội dung này như sau:
Quản lý tiền đặt cọc và thanh toán tiền mua cổ phần
1. Tiền đặt cọc của nhà đầu tư
a) Nhà đầu tư công chúng có trách nhiệm nộp tiền đặt cọc bằng mười phần trăm (10%) giá trị cổ phần đặt mua tính theo giá mở sổ;
b) Nhà đầu tư chiến lược có trách nhiệm nộp tiền đặt cọc, ký quỹ hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật với giá trị bằng hai mươi phần trăm (20%) giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
Theo đó, tiền đặt cọc mua cổ phần lần đầu của doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần được áp dụng như sau:
+ Đối với nhà đầu tư công chúng: Phải nộp tiền đặt cọc bằng mười phần trăm (10%) giá trị cổ phần đặt mua tính theo giá mở sổ.
+ Đối với nhà đầu tư chiến lược: Phải nộp tiền đặt cọc, ký quỹ hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với giá trị bằng hai mươi phần trăm (20%) giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm.
Nhà đầu tư phải nộp bao nhiêu tiền đặt cọc mua cổ phần lần đầu của doanh nhiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần?
Thời hạn thanh toán tiền mua cổ phần được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Thông tư 21/2019/TT-BTC về thời hạn thanh toán tiền mua cổ phần như sau:
Quản lý tiền đặt cọc và thanh toán tiền mua cổ phần
...
2. Thanh toán tiền mua cổ phần
a) Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày công bố kết quả dựng sổ, các nhà đầu tư hoàn tất việc mua bán cổ phần và chuyển tiền mua cổ phần vào tài khoản nhận tiền mua cổ phần theo Quy chế bán cổ phần theo phương thức dựng sổ.
b) Tiền đặt cọc được trừ vào tổng số tiền phải thanh toán mua cổ phần. Trường hợp số tiền đặt cọc lớn hơn số tiền phải thanh toán, nhà đầu tư được hoàn trả lại phần chênh lệch trong thời gian ba (03) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nhà đầu tư thanh toán tiền mua cổ phần.
c) Nếu quá thời hạn thanh toán tiền mua cổ phần nêu trên mà nhà đầu tư không nộp hoặc nộp không đủ so với số tiền phải thanh toán mua cổ phần, nhà đầu tư không được hoàn trả số tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần không thanh toán hoặc bị phạt số tiền tương đương khoản giá trị đặt cọc trong trường hợp sử dụng hình thức ký quỹ, bảo lãnh. Số cổ phần chưa thanh toán được coi là số cổ phần không bán hết và được xử lý theo quy định.
3. Việc mua bán cổ phần được thanh toán bằng đồng Việt Nam. Việc thanh toán thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Như vậy, theo quy định trên thì nhà đầu tư mua cổ phần phải thanh toán tiền trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày công bố kết quả dựng sổ và chuyển tiền mua cổ phần vào tài khoản nhận tiền mua cổ phần. Việc thanh toán thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và bằng đồng Việt Nam.
Ngoài ra, tiền đặt cọc được trừ vào tổng số tiền phải thanh toán mua cổ phần. Nhà đầu tư sẽ được hoàn trả lại phần chênh lệch trong thời gian ba (03) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán tiền mua cổ phần trong trường hợp số tiền đặt cọc lớn hơn tiền phải thanh toán.
Thời hạn chuyển tiền thu từ bán cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 25 Thông tư 21/2019/TT-BTC (sửa đổi bổ sung bởi khoản 2, khoản 3 Điều 12 Thông tư 57/2022/TT-BTC) về nội dung này như sau:
- Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần của nhà đầu tư, Đại lý dựng sổ có trách nhiệm chuyển tiền thu từ bán cổ phần lần đầu cho Tổ chức quản lý sổ lệnh.
- Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần của nhà đầu tư, Tổ chức quản lý sổ lệnh thực hiện chuyển tiền thu được từ bán cổ phần theo phương thức dựng sổ như sau:
+ Chuyển tiền thu từ bán cổ phần cho doanh nghiệp cổ phần hóa
++ Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa là doanh nghiệp nhà nước: chuyển tiền thu từ bán cổ phần tương ứng với kinh phí giải quyết chính sách lao động dôi dư và chi phí cổ phần hóa theo dự toán đã xác định trong phương án cổ phần hóa.
++ Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa là doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ: chuyển tiền thu từ bán cổ phần tương ứng các khoản: kinh phí giải quyết chính sách lao động dôi dư, chi phí cổ phần hóa theo dự toán đã xác định trong phương án cổ phần hóa, nghĩa vụ thuế (nếu có).
+ Chuyển toàn bộ số tiền thu từ bán cổ phần còn lại về ngân sách nhà nước (bao gồm cả số tiền đặt cọc không phải trả cho nhà đầu tư nếu có).
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;