Người lao động làm bao nhiêu ngày thì sẽ được thưởng lương tháng 13? Tiền thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Người lao động làm bao nhiêu ngày thì sẽ được thưởng lương tháng 13?
Hiện nay chưa có quy định nào về khái niệm lương tháng 13
Tuy nhiên có thể hiểu Lương tháng 13 được hiểu như khoản thưởng tết mà công ty dành cho người lao động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích người lao động làm việc. Người sử dụng lao động thường được hưởng Lương tháng 13 vào dịp cuối năm trước khi nghỉ Tết Âm lịch.
Căn cứ tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo như quy định trên, vì lương tháng 13 được coi là một khoản tiền thưởng nên không có quy định nào số ngày làm việc của người lao động để được thưởng lương tháng 13. Việc làm bao nhiêu ngày thì sẽ được thưởng lương tháng 13 của người lao động dựa vào sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, thông thường người sử dụng lao động sẽ dựa vào các điều kiện sau để thưởng lương tháng 13 cho người lao động:
– Có hợp đồng lao động bằng văn bản xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn;
– Có thời gian làm việc liên tục từ 01 tháng trở lên tính đến thời điểm tính lương tháng 13.
– Vẫn còn tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp đến thời điểm tính lương tháng thứ 13.
Người lao động làm bao nhiêu ngày thì sẽ được người sử dụng lao động thưởng lương tháng 13? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả tiền thưởng Tết, tiền lương tháng 13 khi người lao động nghỉ việc trước Tết không?
Căn cứ vào Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, trong trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về việc thưởng Tết, tiền lương tháng 13 trong hợp đồng lao động nếu như người lao động hoàn thành định mức công việc thì người sử dụng lao động bắt buộc phải thanh toán đầy đủ các khoản thưởng Tết, lương tháng 13 theo thỏa thuận.
Việc thanh toán tiền thưởng Tết, tiền lương tháng 13 được thực hiện trong vòng 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tiền thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ theo Công văn 560/LĐTBXH-BHXH năm 2018 hướng dẫn như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội, Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Theo quy định tại các văn bản nêu trên thì từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
Tiền thưởng Tết không phải đóng bảo hiểm xã hội, nhưng nếu theo hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, khoản tiền này được ghi vào mục tiền lương thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;