Bộ Y tế: Sốt xuất huyết tăng nhanh, nếu không quyết liệt phòng chống, dịch bệnh có thể sẽ bùng phát diện rộng?
Đánh giá tình hình bệnh sốt xuất huyết hiện nay và trong thời gian tới?
Theo Công điện 815/CĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế nhận định rằng hiện nay đang là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết liên tục tăng cao tại nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân dẫn đến tình hình bệnh sốt xuất huyết tăng cao là do thời tiết nóng ẩm cộng với mưa nhiều đã tạo điều kiện cho lăng quăng, bọ gậy phát triển kèm theo đó là ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết của người dân vẫn chưa cao, còn chủ quan và lơ là trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Với tình hình hiện tại thì Bộ Y tế dự báo trong thời gian sắp tới số ca mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng cao và có thể bùng phát trên diện rộng nếu như không triển khai công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Bộ Y tế: Sốt xuất huyết tăng nhanh, nếu không quyết liệt phòng chống, dịch bệnh có thể sẽ bùng phát diện rộng?
Đề nghị tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát và điều trị bệnh sốt xuất huyết?
Theo Công điện 815/CĐ-BYT năm 2022 thì Bộ Y tế đã có đề nghị đến các Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các công tác như sau để phòng chống bệnh sốt xuất huyết:
- Tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát trên địa bàn.
- Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Chỉ đạo Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch. Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn. Đảm bảo có dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng. Củng cố và duy trì hoạt động của “nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ổ lăng quăng, bọ gậy một cách hiệu quả.
- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 cao điểm ngay trong tháng 6 - tháng 7 năm 2022.
- Chỉ đạo Sở Tài chính đảm bảo kinh phí kịp thời cho các đơn vị y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Theo đó, các địa phương cần thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung trên trong công tác tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiện nay và trong thời gian sắp tới.
Làm thế nào để phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả?
Căn cứ vào Mục I Quyết định 3711/QĐ-BYT năm 2014 của Bộ Y tế đã có hướng dẫn về những đặc điểm chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết như sau:
“I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA BỆNH
Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Đây là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc bộ và vùng ven biển miền Trung.
Do đặc điểm địa lý, khí hậu khác nhau, ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Ở miền Bắc những tháng khác bệnh ít xảy ra vì thời tiết lạnh, ít mưa, không thích hợp cho sự sinh sản và hoạt động của muỗi Aedes aegypti. Bệnh SXHD phát triển nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10 trong năm.
Chẩn đoán xác định trong phòng thí nghiệm bằng phân lập/phát hiện vật liệu di truyền hoặc kháng nguyên vi rút trong máu trong vòng 5 ngày đầu kể từ khi sốt hoặc phát hiện kháng thể IgM kháng vi rút Dengue đặc hiệu trong huyết thanh từ sau ngày thứ 5.
Tác nhân gây bệnh: do vi rút Dengue thuộc nhóm Flavivirus, họ Flaviviridae với 4 típ huyết thanh DEN - 1, DEN - 2, DEN - 3 và DEN - 4.
Thời kỳ ủ bệnh và lây truyền: Thời kỳ ủ bệnh từ 3 - 14 ngày, trung bình từ 5 - 7 ngày. Bệnh nhân là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt là giai đoạn trong máu có nhiều vi rút. Muỗi bị nhiễm vi rút thường sau 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời.
Tính cảm nhiễm và sức đề kháng: Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời với típ vi rút Dengue gây bệnh nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với các típ vi rút Dengue khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với típ vi rút Dengue khác, bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện sốc Dengue.
Véc tơ truyền bệnh: Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Ở Việt Nam, hai loài muỗi truyền bệnh SXHD là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó quan trọng nhất là Aedes aegypti.
Phòng chống bệnh SXHD: Đến nay, bệnh SXHD chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy hoạt động diệt véc tơ đặc biệt là diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống SXHD.”
Theo đó, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết vì vậy người dân cần phải diệt bọ gậy, lăng quăng, đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;