Lập kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo tình hình thực tiễn và chính sách địa phương?
Những đối tượng nào sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội?
- Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Căn cứ vào khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
…
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.”
- Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Căn cứ vào khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
…
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, những đối tượng được liệt kê theo các quy định nêu trên chính là những trường hợp sẽ tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định hiện nay dưới hình thức bắt buộc hoặc là tự nguyện.
Lập kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo tình hình thực tiễn và chính sách địa phương? (Hình từ internet)
Những đối tượng nào sẽ được tham gia bảo hiểm y tế?
Căn cứ vào Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) quy định như sau:
“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
…
2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:
a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
…
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an;
…”
Theo đó, những trường hợp thuộc các quy định nêu trên chính là những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định hiện nay.
Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với đơn vị có liên quan để để xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế?
Căn cứ vào Mục I Nghị quyết 1971/NQ-HĐQL năm 2022 của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội đã đưa ra kế hoạch về việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như sau:
- Căn cứ Nghị quyết 69/NQ-CP ngày 19/5/2022 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đề nghị bảo hiểm xã hội Việt Nam đôn đốc, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc thù của từng địa phương, yếu tố vùng, miền và tác động của các chính sách.
- Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện thanh tra - kiểm tra và chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đề xuất kịp thời và linh hoạt các giải pháp trong công tác phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế (thu nợ, chậm đóng, trốn đóng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra - kiểm tra đóng và thanh toán, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ để mọi người lao động thấy được sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách an sinh xã hội cần phải bền vững, củng cố niềm tin và chia sẻ, đề nghị bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của nhân viên bảo hiểm xã hội và nhân viên tổ chức dịch vụ thu, hướng tới tổ chức thu chuyên nghiệp để đảm bảo hiệu quả công tác phát triển đối tượng, hạn chế tối đa rủi ro.
Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương để xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sao cho phù hợp với tình hình và chính sách của từng địa phương.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;