Khoản nợ thuế xuất khẩu, nhập khẩu được xem là khoản nợ khó thu trong trường hợp nào?

Khoản nợ thuế xuất khẩu, nhập khẩu được xem là khoản nợ khó thu trong trường hợp nào? - Câu hỏi từ Nhi (Vĩnh Phúc)

Khoản nợ thuế xuất khẩu, nhập khẩu được xem là khoản nợ khó thu trong trường hợp nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ năm 2022 thì các khoản nợ khó thu bao gồm:

+ Nợ của người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự chưa có đề nghị khoanh nợ, hồ sơ đề nghị xoá nợ.

+ Nợ của người nộp thuế đang trong quá trình giải thể gồm: số tiền nợ của người nộp thuế đã thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp nhưng chưa thanh toán nợ theo quy định của pháp luật.

+ Nợ của người nộp thuế đang trong thời gian làm thủ tục phá sản gồm: số tiền nợ của người nộp thuế đã có quyết định phá sản doanh nghiệp hoặc đang trong thời gian làm thủ tục phá sản doanh nghiệp nhưng chưa làm các thủ tục xử lý nợ theo quy định của pháp luật (trường hợp chưa đủ điều kiện khoanh nợ, xóa nợ).

+ Nợ của người nộp thuế đang trong giai đoạn bị điều tra, khởi tố hình sự, thụ lý hoặc chờ kết luận của cơ quan pháp luật, chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế.

+ Nợ của người nộp thuế nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy theo tỷ lệ nội địa hóa năm 2001, 2002.

+ Nợ của người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

+ Nợ khó thu khác: gồm các khoản tiền nợ quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, không thuộc điểm a đến e khoản này, cơ quan hải quan đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng là đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo quy định tại Luật Quản lý thuế nhưng không thu hồi được tiền nợ (trường hợp chưa đủ điều kiện khoanh nợ, xóa nợ).

Khoản nợ thuế xuất khẩu, nhập khẩu được xem là khoản nợ khó thu trong trường hợp nào?

Khoản nợ thuế xuất khẩu, nhập khẩu được xem là khoản nợ khó thu trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)

Việc lập hồ sơ theo dõi nợ thuế được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ về việc lập hồ sơ theo dõi nợ thuế như sau:

- Trên cơ sở phát sinh tiền thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN mà người nộp thuế phải nộp, Hệ thống KTTTT tự động theo dõi phân loại tiền thuế nợ vào nhóm có khả năng thu.

Trường hợp có căn cứ xác định người nộp thuế không nộp hoặc chưa nộp đủ tiền thuế nợ, cơ quan hải quan thực hiện đôn đốc, cưỡng chế thì lập hồ sơ theo dõi người nộp thuế.

- Công chức được phân công quản lý nợ thuế điền đầy đủ, chi tiết các thông tin vào Phiếu theo dõi hồ sơ nợ theo Mẫu số 01/HS Phụ lục I ban hành kèm theo Quy trình này.

Trường hợp hệ thống thiết lập hồ sơ theo dõi nợ thuế của người nộp thuế, các thông tin về người nộp thuế trong quá trình đôn đốc nợ thuế, các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế được cập nhật vào Hệ thống KTTTT.

- Trong quá trình đôn đốc, áp dụng các biện pháp cưỡng chế độ thu hồi nợ hoặc khi có thông tin về người nộp thuế, công chức được phân công quản lý nợ thuế thực hiện lưu kèm hồ sơ theo dõi nợ các chứng từ ghi nhận số tiền thuế nợ (Thông báo tiền thuế nợ, Quyết định ấn định thuế, Quyết định phạt vi phạm hành chính...), biên bản làm việc cùng người nộp thuế có nợ/tổ chức bảo lãnh, tờ trình và các giấy tờ khác (nếu có) và cập nhật chứng từ vào Hệ thống KTTTT.

Việc thực hiện theo dõi, đôn đốc nợ quá hạn chưa quá 90 ngày được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 6 Quy trình kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ về nội dung này như sau:

Bước 1: Lập Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu

Sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định, người nộp thuế/tổ chức bảo lãnh chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vào NSNN hoặc đã nộp nhưng số tiền tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu. Hệ thống gửi Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu cho người nộp thuế/tổ chức bảo lãnh biết theo Mẫu số 01/TXNK Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/01/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 06 năm 2019 về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trường hợp gửi thông báo bằng văn bản, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế 30 ngày, công chức được phân công quản lý nợ thuế dự thảo Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu theo Mẫu số 01/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC để gửi người nộp thuế/ tổ chức bảo lãnh.

Bước 2: Phê duyệt Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu

- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Lãnh đạo Đội hoặc Lãnh đạo Phòng kiểm tra đề xuất của công chức:

+ Trường hợp không đồng ý thì ghi rõ lý do, ý kiến để công chức thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đội hoặc Lãnh đạo Phòng.

+ Trường hợp đồng ý ký trình Lãnh đạo Chi cục Hải quan hoặc Lãnh đạo Cục Hải quan, Lãnh đạo Cục KTSTQ.

- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Lãnh đạo Chi cục Hải quan hoặc Lãnh đạo Cục Hải quan, Lãnh đạo Cục KTSTQ kiểm tra đề xuất của công chức:

+ Trường hợp không đồng ý thì ghi rõ lý do, ý kiến và trả lại hồ sơ đề Lãnh đạo Đội hoặc Lãnh đạo Phòng thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chi cục Hải quan hoặc Lãnh đạo Cục Hải quan, Lãnh đạo Cục KTSTQ.

+ Trường hợp đồng ý ký duyệt Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu.

Bước 3: Ban hành văn bản

- Sau khi lãnh đạo phê duyệt, ký Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu, công chức chuyển văn bản cho bộ phận văn thư để phát hành theo quy định về văn thư, lưu trữ.

Trường hợp thông báo được gửi bằng hình thức điện tử thì cơ quan hải quan thực hiện gửi trên Cổng thông tin điện tử của ngành hải quan hoặc qua thư điện tử của người nộp thuế hoặc người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế.

- Bộ phận văn thư thực hiện thủ tục đăng ký văn bản “đi” theo quy định và chuyển thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

- Công chức được phân công quản lý nợ thuế lưu Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu đã phát hành kèm hồ sơ theo dõi nợ.

Bước 4: Theo dõi Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu

- Khi người nộp thuế/tổ chức bảo lãnh đã thực hiện nộp thuế, công chức cập nhật chứng từ nộp NSNN vào Hệ thống KTTTT và kết thúc hồ sơ theo dõi nợ thuế của người nộp thuế/tổ chức bảo lãnh.

- Quá thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ra Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu nếu người nộp thuế có nợ hoặc tổ chức bảo lãnh của người nộp thuế có nợ chưa nộp tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp (nếu có) vào NSNN hoặc Thông báo bị trả lại thì công chức được phân công quản lý nợ thuế thực hiện theo Điều 7 Quy trình này.

* Lưu ý: Trong trường hợp Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu bị trả lại hoặc người nộp thuế không nộp thuế thì căn cứ tình hình thực tế (vị trí địa lý, số tiền nợ) công chức được phân công quản lý nợ thuế lập tờ trình đề xuất việc đến hoặc không đến làm việc trực tiếp tại trụ sở người nộp thuế.

Nguyễn Trần Hoàng Quyên

- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn

- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;

- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;

Căn cứ pháp lý
Tư vấn pháp luật mới nhất
ĐỌC NHIỀU NHẤT
{{i.ImageTitle_Alt}}
{{i.Title}}