Hợp đồng sản xuất phần mềm có chịu thuế giá trị gia tăng không? Hoạt động công nghiệp phần mềm là gì?
Hoạt động công nghiệp phần mềm là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP về hoạt động công nghiệp phần mềm là hoạt động thiết kế, sản xuất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm, bao gồm sản xuất phần mềm đóng gói; sản xuất phần mềm theo đơn đặt hàng; sản xuất phần mềm nhúng; hoạt động gia công phần mềm và hoạt động cung cấp, thực hiện các dịch vụ phần mềm.
Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP giải thích về dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.
Các loại dịch vụ phần mềm bao gồm:
+ Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin;
+ Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm;
+ Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm;
+ Dịch vụ tư vấn định giá phần mềm;
+ Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;
+ Dịch vụ tích hợp hệ thống;
+ Dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin;
+ Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm;
+ Các dịch vụ phần mềm khác.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP giải thích rằng sản phẩm phầm mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng.
Các loại sản phẩm phần mềm bao gồm:
+ Phần mềm hệ thống;
+ Phần mềm ứng dụng;
+ Phần mềm tiện ích;
+ Phần mềm công cụ,
+ Các phần mềm khác.
Hoạt động công nghiệp phần mềm là gì? Hoạt động kinh doanh dịch vụ, sản phẩm phần mềm có chịu thuế giá trị gia tăng không?
Hoạt động kinh doanh dịch vụ, sản phẩm phần mềm có chịu thuế giá trị gia tăng không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như sau:
Đối tượng không chịu thuế GTGT
...
21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.
Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì cơ sở kinh doanh dịch vụ phần mềm và sản phẩm phầm mềm là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Hợp đồng sản xuất phần mềm có chịu thuế giá trị gia tăng không?
Vừa qua, Cục Thuế TP.Hà Nội ban hành Công văn 50816/CTHN-TTHT năm 2022 hướng dẫn Công ty TNHH Ohmidas Việt Nam về việc áp dụng thuế suất đối với hợp đồng sản xuất phần mềm.
Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế suất 0% như sau:
Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
...
b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.
Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ. Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
...
đ) Các hàng hóa, dịch vụ khác:
- Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
- Dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Theo đó, điều kiện để áp dụng thuế suất 0% được quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:
Thuế suất 0%
...
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
...
b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:
- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
Riêng đối với dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, để được áp dụng thuế suất 0%, ngoài các điều kiện về hợp đồng và chứng từ thanh toán nêu trên, tàu bay, tàu biển đưa vào Việt Nam phải làm thủ tục nhập khẩu, khi sửa chữa xong thì phải làm thủ tục xuất khẩu.
Thông qua Công văn 50816/ CTHN-TTHT năm 2022 hướng dẫn trường hợp Công ty TNHH Ohmidas Việt Nam (kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ) cung ứng dịch vụ, trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, nếu đáp ứng các điều quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC và không thuộc các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC thì hợp đồng sản xuất phần mềm của Công ty thuộc trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;