Hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ khác nhau thế nào? Khi nào được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ?
Hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ được quy định thế nào?
(1) Hợp đồng lao động:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Hợp đồng lao động là là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
(2) Hợp đồng dịch vụ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng dịch vụ là hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ? Khi nào được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ? (Hình từ internet)
Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ?
Dưới đây là một số tiêu chí phân biệt giữa hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ:
Tiêu chí phân biệt | Hợp đồng lao động | Hợp đồng dịch vụ |
Cơ sở pháp lý | khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 | Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 |
Nội dung thỏa thuận trong hợp đồng | Hợp đồng lao động phải đáp ứng đủ những nội dung chủ yếu theo Bộ luật Lao động 2019 thì mới được xem là hợp đồng lao động | Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. |
Sự ràng buộc pháp lý giữa các chủ thể | Hợp đồng lao động có sự ràng buộc pháp lý giữa người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng, người lao động sẽ chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động cũng như phải tuân thủ các nội quy, quy chế do người sử dụng lao động ban hành. | Không có sự ràng buộc về pháp lý giữa bên yêu cầu dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ, kết quả hướng tới của hợp đồng dịch vụ chỉ là kết quả công việc |
Người thực hiện hợp đồng | Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, được hiểu là người lao động “bán” sức lao động của mình để được trả công, trả lương. Do đó, người lao động sẽ phải tự mình thực hiện hợp đồng lao động, không được chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người sử dụng lao động. | Bên cung cấp dịch vụ được thay đổi người thực hiện hợp đồng nếu được sự đồng ý của bên yêu cầu dịch vụ |
Thời gian thực hiện hợp đồng | Hợp đồng lao động phải được thực hiện liên tục trong một khoảng thời gian nhất định hoặc không xác định thời hạn như thỏa thuận trước, không được tự ý ngắt quãng hợp đồng, trừ khi pháp luật lao động có quy định | Thời gian thực hiện hợp đồng không cần liên tục, chỉ cần hoàn thành xong công việc, việc ngắt quãng phụ thuộc vào người thực hiện công việc |
Cách thức thực hiện công việc | Phải thực hiện công việc liên tục trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vô định. | Không cần thực hiện công việc liên tục mà chỉ cần hoàn thành trong khoảng thời gian được giao kết. |
Bảo hiểm | Khi ký hợp đồng phải bắt buộc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. | Không bắt buộc tham gia các loại bảo hiểm cho người thực hiện công việc |
Chế độ phép năm | Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: - 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; - 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; - 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. | Không quy định về ngày nghỉ phép cho người thực hiện công việc |
Chế độ ốm đau | NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. | Không quy định về chế độ ốm đau cho người thực hiện công việc |
Khi nào được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ?
Căn cứ tại Điều 520 Bộ luật Dân sự 2015, quy định như sau:
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ
1. Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì các trường hợp được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ gồm có:
- Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;