Hợp đồng ký kết năm 2022 kéo dài qua năm 2023 thì áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% được không?

Cho tôi hỏi hợp đồng ký kết năm 2022 kéo dài qua năm 2023 thì áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% hay 10%? - Câu hỏi của anh Luân (Lâm Đồng)

Hợp đồng mua bán hàng hóa ký kết năm 2022 kéo dài quá trình thực hiện qua năm 2023 thì áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% hay 10%?

Căn cứ Nghị quyết 43/2022/QH15Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% chỉ áp dụng trong năm 2022 mà cụ thể là đến hết ngày 31/12/2022.

Về vấn đề hợp đồng ký kết năm 2022 kéo dài quá trình thực hiện qua năm 2023 thì theo quy định tại Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn xác định thời điểm tính thuế giá trị gia tăng như sau:

Thời điểm xác định thuế GTGT
1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
...

Theo đó, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng tương ứng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:

- Trường hợp hợp đồng ký kết vào năm 2022 là hợp đồng mua bán hàng hóa thì trước hết hàng hóa trong hợp đồng phải thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì đối với hợp đồng mua bán hàng hóa thì thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Như vậy, trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết trước ngày 31/12/2022 nhưng bên mua và bên bán chưa thực hiện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa thì cho dù đã thu tiền hay chưa thì cũng không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% và khi các bên thực hiện chuyển giao hàng hóa vào năm 2023 thì tại thời điểm này hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%.

- Trường hợp hai bên mua bán hàng hóa đã thực hiện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa trước ngày 31/12/2022 thì được xem là thời điểm đã xác định thuế GTGT do đó được áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%.

Hợp đồng ký kết năm 2022 kéo dài qua năm 2023 thì áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% được không?

Hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết năm 2022 nhưng kéo dài qua năm 2023 thì áp thuế GTGT 8% hay 10%?

Để xác định được vấn đề này, thì dịch vụ trong hợp đồng đã ký kết phải thuộc đối tượng đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% và được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Căn cứ tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:

Thời điểm xác định thuế GTGT
...
2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với dịch vụ viễn thông là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.

Theo đó, đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ thì thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Như vậy, có thể kết luận như sau:

- Trường hợp mà hợp đồng cung ứng dịch vụ được ký kết vào năm 2022 và hoàn thành việc cung ứng dịch vụ vào năm 2023 thì tại thời điểm hoàn công việc là thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng với thuế suất 10%.

- Trường hợp mà hợp đồng cung ứng dịch vụ được ký kết năm 2022 kéo dài quá trình thực hiện sang năm 2023 nhưng có thu tiền trước hoặc thu tiền trong quá trình thực hiện thì thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm lập hóa đơn (mà thời điểm lập hóa đơn cũng là thời điểm thu tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP):

Thời điểm lập hóa đơn
...
2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

Theo đó, hoạt động cung ứng dịch vụ thu tiền trước hoặc trong quá trình thực hiện vào năm 2022 thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì nếu hợp đồng cung ứng dịch vụ thu tiền trong quá trình thực hiện và bàn giao theo từng giai đoạn thì xác định thời điểm tính thuế giá trị gia tăng dựa theo thời điểm lập hóa đơn.

Ví dụ: Doanh nghiệp lập hóa đơn thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ từ ngày 01/06/2022 đến hết ngày 31/05/2023 thì từ ngày 01/06/2022 đến hết ngày 31/12/2022, hóa đơn được lập với thuế suất thuế GTGT là 8% và từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/05/2023 với thuế suất thuế GTGT là 10%.

Ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa năm 2022 nhưng đến năm 2023 mới thực hiện thì có được áp thuế GTGT 8%?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu như sau:

Thời điểm xác định thuế GTGT
...
6. Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Đồng thời, tại Điều 25 Luật Hải quan 2014 quy định thời gian nộp tờ khai hải quan như sau:

Thời hạn nộp hồ sơ hải quan
1. Thời hạn nộp tờ khai hải quan được quy định như sau:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
b) Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu;
c) Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật này.
2. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.
3. Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan được quy định như sau:
a) Trường hợp khai hải quan điện tử, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan, trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia;
b) Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình chứng từ có liên quan khi đăng ký tờ khai hải quan.

Như vậy, theo các quy định trên thì hàng hóa nhập khẩu trong hợp đồng nhập khẩu hàng hóa ký kết năm 2022 xác định như sau:

- Nếu hợp đồng nhập khẩu hàng hóa ký kết năm 2022 nhưng thời điểm đăng ký tờ khai hải quan trước ngày 31/12/2022 thì được áp dụng thuế suất 8%.

LawNet

- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn

- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;

- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;

Căn cứ pháp lý
Tư vấn pháp luật mới nhất
ĐỌC NHIỀU NHẤT
{{i.ImageTitle_Alt}}
{{i.Title}}