Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường tại Bộ TN&MT gồm những gì? Thủ tục cấp Giấy phép môi trường hiện nay ra sao?
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường tại Bộ TN&MT gồm những gì?
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường tại Bộ TN&MT hiện nay được quy định tại điểm c khoản 1 tiểu mục I Mục A Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 87/QĐ-BTNMT năm 2022. Cụ thể, bao gồm:
- Bản chính văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường của dự án đầu tư, cơ sở;
- Bản chính Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của dự án đầu tư, cơ sở;
- Bản sao Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư (đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường).
Theo đó, hồ sơ nêu trên được lập thành 01 bộ và gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường tại Bộ TN&MT gồm những gì? Thủ tục cấp Giấy phép môi trường hiện nay ra sao? (Hình từ Internet)
Có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường đến Bộ TN&MT theo những cách thức nào?
Căn cứ điểm b khoản 1 tiểu mục I Mục A Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 87/QĐ-BTNMT năm 2022, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường có thể được gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường theo các cách thức sau:
- Thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cơ quan cấp phép (bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
+ Dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải;
+ Dự án đầu tư, cơ sở đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
++ Không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
++ Không thuộc trường hợp phải quan trắc khí thải tự động, liên tục, quan trắc định kỳ.
- Gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan cấp phép
Thủ tục cấp Giấy phép môi trường tại Bộ TN&MT hiện nay ra sao?
Căn cứ điểm a khoản 1 tiểu mục I Mục A Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 87/QĐ-BTNMT năm 2022. Thủ tục cấp Giấy phép môi trường tại Bộ TN&MT được thực hiện theo các bước sau:
STT | Trình tự | Nội dung |
1 | Bước 1: Nộp hồ sơ | - Tổ chức/cá nhân (Chủ dự án đầu tư, cơ sở) nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo địa chỉ https://dichvucong.monre.gov.vn, Cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ https://dichvucong.gov.vn hoặc gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính đến Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. - Đối với các dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh: nộp hồ sơ theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. |
2 | Bước 2: Kiểm tra hồ sơ | Cơ quan cấp phép xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ theo quy định; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì thông báo để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định. |
3 | Bước 3: Thẩm định hồ sơ, kiểm tra và trả kết quả | - Cơ quan cấp phép thành lập hội đồng thẩm định, tổ thẩm định hoặc đoàn kiểm tra theo một trong các trường hợp sau: + Đối với dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất hoặc thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, đồng thời thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cơ quan cấp phép thành lập hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường, không tổ chức kiểm tra thực tế; + Đối với dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường 2020, dự án đầu tư có sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất hoặc thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, cơ quan cấp phép thành lập tổ thẩm định cấp giấy phép môi trường, không tổ chức kiểm tra thực tế; + Đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập hội đồng thẩm định, hội đồng thẩm định có trách nhiệm tổ chức khảo sát thực tế tại khu vực dự kiến triển khai dự án đầu tư; + Đối với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động, cơ quan cấp phép thành lập đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra thực tế. - Hội đồng thẩm định, tổ thẩm định thẩm định hồ sơ, đoàn kiểm tra nghiên cứu hồ sơ và khảo sát hoặc kiểm tra thực tế (nếu có) đối với dự án đầu tư, cơ sở. Trường hợp hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung để bảo đảm đủ căn cứ cho việc cấp phép, cơ quan cấp phép có văn bản thông báo cho chủ dự án và nêu rõ các nội dung phải chỉnh sửa, bổ sung. Cơ quan cấp phép không yêu cầu chủ dự án, cơ sở thực hiện các công việc khác ngoài các nội dung trong văn bản thông báo yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ này. - Căn cứ kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định, tổ thẩm định hoặc kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra, cơ quan cấp phép xem xét, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở trong trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường hoặc có văn bản thông báo trả hồ sơ cho chủ dự án, cơ sở và nêu rõ lý do trong trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường. |
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;