Hướng dẫn viết Mẫu CT01 Tờ khai thay đổi thông tin cư trú mới nhất từ 2024? Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm những gì?
Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm những gì?
Căn cứ quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 66/2023/TT-BCA sửa đổi Điều 17 Thông tư 55/2021/TT-BCA, nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm:
- Thông tin về nơi cư trú hiện tại, các nơi cư trú trước đây,
- Thời gian sinh sống tại từng nơi cư trú, hình thức đăng ký cư trú
- Các thông tin về cư trú khác đang có trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, xác nhận thông tin về cư trú có giá trị sử dụng 01 năm kể từ ngày cấp. Trường hợp thông tin về cư trú của công dân có sự thay đổi, điều chỉnh và được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì xác nhận thông tin về cư trú hết giá trị sử dụng kể từ thời điểm thay đổi, điều chỉnh.
Hướng dẫn viết Mẫu CT01 Tờ khai thay đổi thông tin cư trú mới nhất từ 2024? Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn viết Mẫu CT01 Tờ khai thay đổi thông tin cư trú mới nhất từ 2024?
Mẫu Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01) mới nhất hiện nay là Mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 66/2023/TT-BCA được áp dụng từ 01/01/2024.
Theo đó, có thể tham khảo cách viết Mẫu Tờ khai thay đổi thông tin cư trú như sau:
(1) Phần kính gửi và thông tin cá nhân:
Phần kính gửi: Ghi tên Cơ quan đăng ký cư trú.
Theo đó, căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú 2020 có nội dung như sau:
Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Thông tin cá nhân
- Họ, chữ đệm và tên:
Ghi bằng chữ in hoa hoặc thường, đủ dấu (viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh) của người có sự thay đổi thông tin cư trú.
Ví dụ: NGUYỄN VĂN A
- Ngày, tháng, năm sinh:
Ghi ngày, tháng, năm sinh theo năm dương lịch và đúng với giấy khai sinh của người có thay đổi thông tin cư trú. Lưu ý: ghi 02 chữ số cho ngày sinh, 02 chữ số cho các tháng sinh là tháng 01 và tháng 02, 04 chữ số cho năm sinh.
Ví dụ: 18/12/2001
- Giới tính:
Ghi giới tính của người có thay đổi thông tin cư trú là "Nam" hoặc "Nữ".
- Số định danh cá nhân:
Ghi đầy đủ số định danh cá nhân (số căn cước công dân).
- Số điện thoại liên hệ:
Ghi số điện thoại di động hoặc điện thoại bàn hiện đang sử dụng.
- Email:
Ghi địa chỉ email cần liên lạc (Không bắt buộc, nếu có thì ghi)
- Họ, chữ đệm và tên chủ hộ:
Ghi bằng chữ in hoa hoặc thường, đủ dấu (viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh) của chủ hộ.
- Mối quan hệ với chủ hộ:
+ Trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú theo diện đã có chỗ ở, nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình hoặc được chủ nhà cho mượn, thuê ở:
Ghi là chủ hộ, tức đăng ký mình làm chủ hộ.
+ Trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú theo diện được chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu hoặc cho tạm trú:
Ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đó. Ví dụ: Vợ, con ruột, con rể, cháu ruột hoặc người ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn...
+ Trường hợp thay đổi, xác nhận thông tin về cư trú (ví dụ: thay đổi về nơi cư trú; chỉnh sửa thông tin cá nhân; tách hộ; xóa đăng ký thường trú, tạm trú hoặc xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú...)
Ghi quan hệ với chủ hộ theo thông tin đã khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú hoặc ghi theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
- Số định danh cá nhân của chủ hộ:
Ghi đầy đủ số định danh cá nhân (số căn cước công dân) của chủ hộ.
- Những thành viên trong hộ gia đình cùng thay đổi: Điền thông tin tương tự chủ hộ.
(2) Nội dung đề nghị:
Ghi rõ ràng, cụ thể nội dung đề nghị.
Ví dụ: đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; tách hộ; xác nhận thông tin về cư trú...
(3) Ý kiến của chủ hộ:
Áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6 Điều 20; khoản 1 Điều 25; điểm a khoản 1 Điều 26 Luật Cư trú 2020.
Việc lấy ý kiến của chủ hộ được thực hiện theo các phương thức sau:
- Chủ hộ ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai.
- Chủ hộ xác nhận nội dung đồng ý thông qua ứng dụng VNeID hoặc các dịch vụ công trực tuyến khác.
- Chủ hộ có văn bản riêng ghi rõ nội dung đồng ý (văn bản này không phải công chứng, chứng thực).
(4) Ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp
Áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 20; khoản 1 Điều 25 Luật Cư trú 2020; điểm a khoản 1 Điều 26 Luật Cư trú 2020.
Việc lấy ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được thực hiện theo các phương thức sau:
- Chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai.
- Chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp xác nhận nội dung đồng ý thông qua ứng dụng VNeID hoặc các dịch vụ công trực tuyến khác.
- Chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp có văn bản riêng ghi rõ nội dung đồng ý (văn bản này không phải công chứng, chứng thực).
Ghi chú: Trường hợp chủ sở hữu hợp chỗ ở hợp pháp gồm nhiều cá nhân, tổ chức thì phải có ý kiến đồng ý của tất cả các đồng sở hữu trừ trường hợp đã có thỏa thuận về việc cử đại diện có ý kiến đồng ý; Trường hợp chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp xác nhận nội dung đồng ý thông qua ứng dụng VNeID thì công dân phải kê khai thông tin về họ, chữ đệm, tên và số ĐDCN của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp.
(5) Ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ:
Áp dụng đối với trường hợp người chưa thành niên, người hạn chế hành vi dân sự, người không đủ năng lực hành vi dân sự có thay đổi thông tin về cư trú.
Việc lấy ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ được thực hiện theo các phương thức sau:
- Cha, mẹ hoặc người giám hộ ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai.
- Cha, mẹ hoặc người giám hộ xác nhận nội dung đồng ý thông qua ứng dụng VNeID hoặc các dịch vụ công trực tuyến khác.
- Cha, mẹ hoặc người giám hộ có văn bản riêng ghi rõ nội dung đồng ý (văn bản này không phải công chứng, chứng thực).
(6) Người kê khai:
Trường hợp nộp trực tiếp người kê khai ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên vào Tờ khai.
Trường hợp nộp qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng VNeID thì người kê khai không phải ký vào mục này.
(7) Phần số định danh cá nhân:
Chỉ kê khai thông tin khi công dân đề nghị xác nhận nội dung đồng ý thông qua ứng dụng VNeID.
Khi nào cần phải sử dụng Tờ khai thay đổi thông tin cư trú?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 56/2021/TT-BCA có nêu về Tờ khai thay đổi thông tin cư trú như sau:
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú được sử dụng khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, tách hộ, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, xác nhận thông tin về cư trú (ký hiệu là CT01).
Như vậy, theo quy định nêu trên thì tờ khai thay đổi thông tin cư trú được sử dụng khi công dân thực hiện các thủ tục:
- Đăng ký thường trú
- Xóa đăng ký thường trú
- Tách hộ
- Điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú
- Đăng ký tạm trú
- Xóa đăng ký tạm trú
- Gia hạn tạm trú
- Khai báo thông tin về cư trú
- Xác nhận thông tin về cư trú
Thông tư 66/2023/TT-BCA sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;