Đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại trong hoạt động thanh tra không? Ai có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra?
- Đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại trong hoạt động thanh tra không?
- Ai có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra?
- Khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động thanh tra dựa trên cơ sở nào?
- Đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh thế nào sẽ đủ điều kiện xử lý?
- Việc xử lý đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại trong hoạt động thanh tra không?
Căn cứ tại Điều 92 Luật Thanh tra 2022 quy định như sau:
Quyền của đối tượng thanh tra
1. Đối tượng thanh tra có quyền sau đây:
a) Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra;
b) Khiếu nại về quyết định, hành vi của người tiến hành thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác;
c) Yêu cầu bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Theo đó, đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại về quyết định, hành vi của người tiến hành thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại trong hoạt động thanh tra không? Ai có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra? (Hình từ Internet).
Ai có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 95 Luật Thanh tra 2022 và khoản 2 Điều 95 Luật Thanh tra 2022 có quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra như sau:
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra
1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra giải quyết khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của mình, của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý về thanh tra của mình và của các cơ quan, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình.
Như vậy, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra bao gồm: Thủ trưởng cơ quan thanh tra và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
Khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động thanh tra dựa trên cơ sở nào?
Căn cứ theo Điều 94 Luật Thanh tra 2022, việc khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được quy định như sau:
Khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ khiếu nại, kiến nghị dựa trên những cơ sở sau:
- Có căn cứ cho rằng quyết định hành chính của người tiến hành thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Có căn cứ cho rằng hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Khi cho rằng nội dung trong kết luận thanh tra chưa chính xác.
Đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh thế nào sẽ đủ điều kiện xử lý?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2021/TT-TTCP quy định điều kiện đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh đủ điều kiện xử lý được xác định như sau:
- Đơn dùng chữ viết là tiếng Việt. Trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng; Đơn được ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn;
- Đơn khiếu nại ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại;
- Đơn tố cáo ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan;
- Đơn kiến nghị, phản ánh ghi rõ nội dung kiến nghị, phản ánh;
- Đơn không rõ họ tên, địa chỉ của người gửi đơn nhưng có nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật và nêu rõ người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo.
Như vậy, nếu đáp ứng đủ 05 điều kiện nêu trên thì đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra sẽ được cơ quan có thẩm quyền xử lý và có phản hồi bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Việc xử lý đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Nguyên tắc xử lý đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quy định tại Điều 3 Thông tư 05/2021/TT-TTCP như sau:
- Việc xử lý đơn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật; nhanh chóng, kịp thời;
- Xử lý rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
- Đơn phải được gửi, chuyển đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Luật Thanh tra 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;