Đào ngũ khi đang đi nghĩa vụ quân sự có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Hành vi chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ là gì?
- Đào ngũ có bị truy cứu trách nhiệm Hình sự không?
- Chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ bao gồm các hành vi nào?
- Thời gian đào ngũ có được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ không?
- Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định như thế nào?
Đào ngũ có bị truy cứu trách nhiệm Hình sự không?
Căn cứ vào Điều 402 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Tội đào ngũ
1. Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, Bộ Luật Hình sự quy định hành vi đào ngũ sẽ bị truy cứu trách nhiệm Hình sự trong thời chiến. Trong thời bình, nếu như cá nhân đào ngũ, đã bị xử lý kỷ luật nhưng lại tiếp tục vi phạm hoặc đào ngũ gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để xác định trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên.
Đào ngũ khi đang đi nghĩa vụ quân sự có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Hành vi chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ là gì? (Hình từ Internet)
Chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ bao gồm các hành vi nào?
Căn cứ vào Điều 7 Thông tư 95/2014/TT-BQP quy định như sau:
Hành vi “chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ” quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP
Hành vi “chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ” quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP là một trong các hành vi sau:
1. Để quân nhân đào ngũ ở nhà mình hoặc ở cơ quan, tổ chức mà không khai báo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
2. Đưa quân nhân đào ngũ đi trốn hoặc cung cấp phương tiện, vật chất để quân nhân đào ngũ lẩn trốn.
3. Làm các giấy tờ để hợp thức cho hành vi đào ngũ.
Theo đó hành vi chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ bao gồm:
- Để quân nhân đào ngũ ở nhà mình hoặc ở cơ quan, tổ chức mà không khai báo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
- Đưa quân nhân đào ngũ đi trốn hoặc cung cấp phương tiện, vật chất để quân nhân đào ngũ lẩn trốn.
- Làm các giấy tờ để hợp thức cho hành vi đào ngũ.
Thời gian đào ngũ có được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ không?
Căn cứ vào Điều 22 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định như sau:
Cách tính thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
1. Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
2. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.
Theo đó thời gian đào ngũ không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.
Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 20 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
- Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, quy định hệ thống mẫu biểu đăng ký nghĩa vụ quân sự, chế độ báo cáo, chế độ kiểm tra việc đăng ký nghĩa vụ quân sự; quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; xây dựng và quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu nghĩa vụ quân sự.
- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan quân sự cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm:
+ Tổ chức thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự và cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự;
+ Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Cơ quan công an cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm:
+ Kịp thời thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp nơi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đang cư trú về việc họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp thay đổi về nơi thường trú, tạm vắng, tạm trú, lưu trú của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự để quản lý việc đăng ký nghĩa vụ quân sự;
+ Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương và cơ quan liên quan khác kiểm tra, xử lý những người vi phạm quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.
- Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp thực hiện quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;