Danh sách xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam do Tổng Cục thuế ban hành?
Danh sách xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam do Tổng Cục thuế ban hành?
Tại Công văn 3786/TCT-KK năm 2022, Tổng Cục thuế ban hành Danh sách xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam lớn nhất năm 2021
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính đối với việc xác định và công khai Danh sách xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam (gọi tắt là V1000). Tổng cục Thuế kính chuyển Quý báo Danh sách V1000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất trong năm 2021 để thực hiện công khai (Danh sách đính kèm).
(1) Các tiêu chí xác định Danh sách xếp hạng V1000 doanh nghiệp đóng thuế TNDN lớn nhất trong năm 2021, cụ thể:
- Doanh nghiệp được lựa chọn đưa vào danh sách xếp hạng bao gồm:
+ Doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam
+ Doanh nghiệp nước ngoài
+ Các tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh
(2) Các nội dung công khai
Danh sách 1000 doanh nghiệp có số thuế TNDN đã nộp trong năm 2021 gồm các thông tin:
- Số xếp hạng theo thứ tự có số thuế TNDN đã nộp trong năm từ cao xuống thấp;
- Mã số thuế của doanh nghiệp;
- Tên doanh nghiệp.
03 doanh nghiệp đứng đầu trong việc nộp thuế TNDN tại Danh sách ban hành kèm theo Công văn 3786/TCT-KK năm 2022 như sau:
1. TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP - VIỄN THÔNG QUÂN ĐỘI
2. NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỐ PHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM
3. CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ XANH
Xem chi tiết tại Danh sách đính kèm Công văn 3786/TCT-KK năm 2022
Danh sách xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam do Tổng Cục thuế ban hành? (Hình từ Internet)
Đối tượng nào phải nộp thuế TNDN theo quy định?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định về người nộp thuế TNDN như sau:
Người nộp thuế
1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
c) Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
d) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
đ) Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Như vậy, theo quy định, đối tượng phải nộp thuế TNDN được quy định như trên.
Thu nhập nào phải chịu thuế TNDN? Thuế suất thuế TNDN là bao nhiêu?
Theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013, khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi các Luật về thuế năm 2014) quy định về thu nhập chịu thuế bao gồm:
- Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều này.
- Thu nhập khác bao gồm:
+ Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn;
+ Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;
+ Thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;
+ Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá;
+ Thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ;
+ Khoản thu từ nợ khó đòi đã xóa nay đòi được;
+ Khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ;
+ Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác.
Lưu ý: Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam.
Đồng thời, theo Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013), thuế suất thuế TNDN được quy định như sau:
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này.
Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
- Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề.
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;