Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo mới nhất? Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước là gì?
Ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2023?
Ngày 19/5/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 531/QĐ-TTg năm 2023 ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Theo đó, các văn bản, tài liệu, thông tin thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo sau đây sẽ nằm trong danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.
(1) Bí mật nhà nước độ Tối mật lĩnh vực giáo dục năm 2023
- Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai.
- Thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài cần được bảo vệ theo yêu cầu của bên cử đi đào tạo.
(So với Quyết định 809/QĐ-TTg năm 2020 đã loại bỏ nội dung thuộc độ Tối mật về kế hoạch, chương trình hành động, báo cáo, tài liệu kèm theo báo cáo của Bộ GD&ĐT thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT trực tiếp phục vụ chiến lược an ninh, quốc phòng chưa công khai).
(2) Bí mật nhà nước độ Mật lĩnh vực giáo dục năm 2023
- Văn bản có nội dung phản ánh, nhận xét, đánh giá về thực trạng tư tưởng, đời sống của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên có tác động tiêu cực đến chính trị, an ninh, đối ngoại, trật tự xã hội.
- Thông tin về địa điểm ra đề thi và in sao đề thi; thông tin về nhân sự của Hội đồng/Ban ra đề thi và in sao đề thi; phương án vận chuyển, bảo quản, lưu trữ và bảo vệ đề thi của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế, khu vực chưa công khai.
So với trước đó, quy định hiện hành giảm bớt các chuyên mục sau đây ra khỏi bí mật nhà nước thuộc độ Mật:
- Báo cáo về thực trạng tổ chức các hoạt động giáo dục của các tổ chức tôn giáo có ảnh hưởng đến chính trị, quốc phòng, an ninh chưa công khai.
- Kế hoạch, công văn, báo cáo về công tác dân tộc, tôn giáo có liên quan đến đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo chưa công khai.
- Báo cáo và các công văn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về an ninh chính trị đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên chưa công khai.
- Hồ sơ về xét tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị hằng năm chưa công khai.
- Vũ khí bộ binh hoán cải phục vụ cho giáo dục quốc phòng và an ninh.
- Chương trình, dự án, đề án của BG&ĐT trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chưa công khai.
Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo mới nhất? Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước là gì?
Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định như sau:
Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước
1. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
4. Chủ động phòng ngừa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
5. Bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, bảo vệ bí mật nhà nước theo 5 nguyên tắc như quy định trên.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước là gì?
Căn cứ tại Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định như sau:
Cá nhân, tổ chức bị nghiêm cấm thức hiện các hành vi sau đây trong bảo vệ bí mật nhà nước:
- Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
- Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.
- Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.
- Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
- Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.
- Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.
- Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.
- Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;