Cơ quan nào có quyền thành lập Hội đồng giám định y khoa? Hội đồng giám định y khoa được thành lập nhằm mục đích gì?
Hội đồng giám định y khoa được thành lập nhằm mục đích gì?
Ngày 01/02/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 01/2023/TT-BYT quy định chi tiết về hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các cấp.
Theo đó, Hội đồng giám định y khoa được thành lập dựa trên nguyên tắc được quy định tại Điều 1 Thông tư 01/2023/TT-BYT, cụ thể như sau:
Nguyên tắc thành lập Hội đồng giám định y khoa
1. Hội đồng giám định y khoa các cấp là Hội đồng chuyên môn về y tế được thành lập để xác định tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương cơ thể (nếu có) do thương tích, bệnh, tật, dị dạng, dị tật theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Hội đồng giám định y khoa các cấp có con dấu riêng sử dụng trong việc xác nhận Biên bản giám định y khoa. Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng giám định y khoa là 05 (năm) năm, kể từ ngày ký quyết định thành lập, trừ Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối.
3. Thành phần Hội đồng giám định y khoa:
a) Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, các Bộ, cấp trung ương có 05 (năm) thành viên, hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, bao gồm các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên môn;
b) Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối tối thiểu có 05 (năm) thành viên, hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, bao gồm các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thưởng trực và Ủy viên chuyên môn.
4. Các thành viên Hội đồng giám định y khoa, giám định viên đã tham gia giám định y khoa cho đối tượng thì không tham gia Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối.
Như vậy, Hội đồng giám định y khoa được thành lập nhằm xác định tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương cơ thể (nếu có) do thương tích, bệnh, tật, dị dạng, dị tật theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cơ quan nào có quyền thành lập Hội đồng giám định y khoa? Hội đồng giám định y khoa được thành lập nhằm mục đích gì?
Cơ quan nào có quyền thành lập Hội đồng giám định y khoa?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 01/2023/TT-BYT về thẩm quyền thành lập Hội đồng giám định y khoa các cấp như sau:
Thẩm quyền thành lập Hội đồng giám định y khoa các cấp
1. Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập.
2. Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương do Bộ Y tế quyết định thành lập.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải căn cứ quy định của Thông tư này để quyết định thành lập Hội đồng giám định y khoa các Bộ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 161 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.
Như vậy:
- Đối với Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh thì quyết định thành lập thuộc về cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Đối với Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương thì quyết định thành do Bộ Y tế.
- Đối với Hội đồng giám định y khoa để xem xét công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của người có công thì quyết định thành lập thuộc về Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải.
Thành phần Hội đồng giám định y khoa được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 2 Thông tư 01/2023/TT-BYT về thành phần của Hội đồng giám định y khoa như sau:
- Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh:
+ Chủ tịch là Lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giám định y khoa (sau đây viết tắt là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh):
+ Hai Phó Chủ tịch: Một Phó Chủ tịch thường trực là Lãnh đạo cơ quan thưởng trực Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh; một Phó Chủ tịch chuyên môn là Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa cấp tỉnh;
+ Các Ủy viên phải là giám định viên, trong đó Ủy viên thường trực là viên chức thuộc cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.
- Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương:
+ Chủ tịch là Lãnh đạo của bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ;
+ Một Phó Chủ tịch là Lãnh đạo cơ quan thường trực quy định tại khoản 3 Điều 161 Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
+ Các Ủy viên phải là giám định viên, trong đó Ủy viên thường trực là viên chức thuộc cơ quan thường trực Hội đồng giảm định y khoa cấp trung ương.
- Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối:
+ Chủ tịch là Lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
+ Một Phó Chủ tịch là Chủ tịch Hội đồng giám định y khoa cấp trung trong hoặc Chủ tịch Hội đồng giảm định y khoa các Bộ có thẩm quyền giám định y khoa phúc quyết;
+ Các Ủy viên là giám định viên, trong đó Ủy viên thường trực là viên chức thuộc cơ quan thưởng trực Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương hoặc cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa các Bộ có thẩm quyền giám định y khoa phúc quyết.
Thông tư 01/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15 tháng 04 năm 2023.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;