Có được kéo dài thời gian bố trí vốn giao hằng năm ngân sách nhà nước đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn không?
- Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đầu tư công là trong bao lâu?
- Thời gian nào sẽ tiến hành trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước?
- Trường hợp nào sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước?
- Những hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư công?
- Có được kéo dài thời gian bố trí vốn giao hằng năm ngân sách nhà nước đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn không?
Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đầu tư công là trong bao lâu?
Căn cứ vào Điều 52 Luật Đầu tư công 2019 quy định như sau:
“Điều 52. Điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn
Chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
1. Dự án chuyển tiếp thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước;
2. Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm.
Trường hợp không đáp ứng thời hạn trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương;
3. Nhiệm vụ, dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 18 của Luật này;
4. Các đối tượng quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 5 của Luật này.”
Theo đó, chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm.
Có được kéo dài thời gian bố trí vốn giao hằng năm ngân sách nhà nước đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn không?
Thời gian nào sẽ tiến hành trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước?
Căn cứ vào Điều 61 Luật Đầu tư công 2019 quy định như sau:
“Điều 61. Trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước
1. Trước ngày 20 tháng 9 hằng năm, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước.
2. Trước ngày 20 tháng 10 hằng năm, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm sau.
3. Trước ngày 15 tháng 11 hằng năm, Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm sau.
4. Trước ngày 30 tháng 11 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm sau theo tổng mức vốn và cơ cấu vốn đã được Quốc hội quyết định cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
5. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm sau, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện.”
Theo đó, kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước sẽ được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 20/9 mỗi năm.
Trường hợp nào sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước?
Căn cứ vào Điều 67 Luật Đầu tư công 2019 quy định như sau:
“Điều 67. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công
1. Quốc hội quyết định điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước trong các trường hợp sau đây:
a) Do điều chỉnh mục tiêu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia;
b) Do thay đổi đột biến về cân đối ngân sách nhà nước hoặc khả năng huy động các nguồn vốn.
…
8. Ủy ban nhân dân các cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương để đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình và trong nội bộ các ngành, lĩnh vực, chương trình của các đơn vị sử dụng các nguồn vốn này và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
9. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước.”
Như vậy, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công được thực hiện theo quy định nêu trên.
Theo đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước sẽ được Quốc hội điều chỉnh trong các trường hợp do điều chỉnh mục tiêu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc do thay đổi đột biến về cân đối ngân sách nhà nước hoặc khả năng huy động các nguồn vốn.
Những hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư công?
Căn cứ vào Điều 16 Luật Đầu tư công 2019 quy định như sau:
“Điều 16. Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công
1. Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
…
6. Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
…
11. Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.”
Theo đó, hành vi gây nợ đọng xây dựng cơ bản là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư công.
Có được kéo dài thời gian bố trí vốn giao hằng năm ngân sách nhà nước đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn không?
Căn cứ vào Mục 14 Công văn 5015/CV-TCT năm 2022 đã có hướng dẫn như sau:
“14. Kế hoạch vốn giao hằng năm không đủ hạn mức theo kế hoạch đầu tư công trung hạn cả giai đoạn được phê duyệt dẫn đến kéo dài thời gian giao vốn, phát sinh thêm thủ tục phải xin ý kiến bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Xem xét, giao kế hoạch vốn theo dòng đời dự án, không giao vốn hằng năm.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Đồng thời, theo quy định tại Điều 61 và Điều 67 của Luật Đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm được Thủ tướng Chính phủ giao để phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch trung hạn đã được quyết định, đồng thời có quyền điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án đã được giao kế hoạch hằng năm. Do đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có thẩm quyền bố trí và điều chỉnh kế hoạch vốn để bảo đảm hoàn thành các dự án theo đúng thời hạn quy định. Như vậy, các bộ, ngành và địa phương phải có trách nhiệm bố trí vốn cho dự án theo đúng thời hạn quy định nêu trên (đây chính là vòng đời dự án).
Bên cạnh đó, Điều 16 của Luật Đầu tư công quy định gây nợ đọng xây dựng cơ bản là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải thực hiện việc bố trí vốn đầu tư dự án theo đúng quy định, không được kéo dài thời gian bố trí vốn, làm tăng tổng mức đầu tư, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.”
Như vậy, các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án theo đúng quy định về đầu tư công. Cơ quan trung ương và địa phương phải thực hiện việc bố trí vốn đầu tư dự án đúng quy định và không được kéo dài thời gian bố trí vốn.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;