Có bắt buộc tăng lương mỗi năm cho người lao động không? Không tăng lương cho người lao động theo thỏa thuận có bị phạt không?
Người sử dụng lao động có bắt buộc tăng lương mỗi năm cho người lao động không?
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, quy định chế độ nâng bậc, nâng lương: theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người sử dụng lao động không bắt buộc hằng năm phải tăng lương cho người lao động. Trừ trường lương tối thiểu vùng tăng, người sử dụng lao động bắt buộc phải tăng lương cho người lao động sao cho thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng.
Có bắt buộc tăng lương mỗi năm cho người lao động không? Không tăng lương cho người lao động theo thỏa thuận có bị phạt không?
Doanh nghiệp không tăng lương cho người lao động theo thỏa thuận bị xử lý thế nào?
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động nếu không tăng lương cho người lao động như đã thỏa thuận trước đó có thể sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động với mức phạt như sau:
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
- Đồng thời, trong trường hợp người sử dụng lao động trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng cũng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể:
+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
+ Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
+ Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Lưu ý: Mức phạt vi phạm hành chính trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Nguyên tắc trả lương cho người lao động được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động theo 2 nguyên tắc sau:
- Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Ngoài ra, kỳ hạn trả lương được quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương như sau:
- Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
- Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, chỉ khi vì lý do bất khả kháng thì người sử dụng lao động mới có thể trả lương trễ so với thời hạn thỏa thuận, tuy nhiên không được chậm quá 30 ngày, nếu không sẽ bị xử phạt vi phạm và phải đền bù tổn thất cho người lao động.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;